Theo ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH), Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới đã được khẳng định trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam.
Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác bình đẳng giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng. Bởi cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều hình thức và ở nhiều môi trường khác nhau, từ trong gia đình tới cộng đồng và xã hội.
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án/Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thí điểm một số mô hình, trong đó có mô hình Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái, để trên cơ sở đó, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Để triển khai mô hình hiệu quả, cần sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ cùng sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền các cấp, các ngành và người dân trong cộng đồng. Trước tiên, sự chuyển động tốt về nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi lãnh đạo chính quyền về sự an toàn cho bất kỳ người dân nào ở nơi công cộng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các hình thức bạo lực và quấy rối tình dục, sẽ là tiền đề quan trọng để có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời, những trải nghiệm tốt về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng, đề xuất chính sách liên quan.
Những nỗ lực này nhằm góp phần vào bản Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 với 109 biện pháp chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu bao gồm: Gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; hòa nhập; bền vững; tự cường và năng động.