“An toàn cho phụ nữ và trẻ em hướng tới SDGs”
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp Viện phát triển Phụ nữ Hàn Quốc tổ chức “Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam-Hàn Quốc” lần thứ 7 năm 2019 với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em hướng tới SDGs” (SDGs - Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc).
An toàn cho phụ nữ và trẻ em cũng là nội dung quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện. |
Trong 6 năm qua, “Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam-Hàn Quốc” đã tạo cơ hội để phụ nữ hai nước cùng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, lồng ghép giới trong chính sách, pháp luật và trong hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ.
Diễn đàn năm nay tập trung chia sẻ kinh nghiệm của hai nước nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em hướng tới SDGs. Đây là chủ đề được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để triển khai các hoạt động xuyên suốt trong năm 2019 và cho cả các năm tiếp theo.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng và hướng các hoạt động của mình vì sự an toàn và phát triển của phụ nữ và trẻ em.
Cùng với nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho người dân, tính trách nhiệm của cộng đồng và đặc biệt là có được những chính sách, pháp luật phù hợp cũng vô cùng quan trọng.
An toàn cho phụ nữ và trẻ em cũng là nội dung quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện. Ảnh LAD |
Hàn Quốc có rất nhiều sáng kiến hay, thành công nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, trong đó có dự án thành phố thân thiện với phụ nữ được triển khai ở nhiều nơi nhưng đặc biệt thực hiện rất bài bản ở thành phố Seoul với kinh phí 708 tỷ won (khoảng gần 600 triệu USD).
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ một số kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này như việc mời các nhân vật nổi tiếng làm Đại sứ chương trình về an toàn cho phụ nữ trẻ em hoặc đề xuất với Quốc hội chọn vấn đề này để giám sát tối cao trong năm tới.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Nhằm đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trước những diễn biến phức tạp của buôn bán người, thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng, chống bằng việc dần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị định số 62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ…
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng việc thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người trong thời gian qua được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.
Việc thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người trong thời gian qua được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. Ảnh minh họa Dũng Lê |
Trưởng ban Tuyên giáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng các địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng phát động nhiều hơn các phong trào toàn dân đấu tranh, tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường xây dựng mới chuyên trang, chuyên mục, tin bài bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc ít người; truyền thông trực tiếp tại các phiên chợ vùng cao, trường học để truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người, nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tội phạm.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là mô hình Nhà Nhân ái, Ngôi nhà bình yên, Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Thu Thủy