Việt Nam có phát triển mạnh mẽ không là ở việc áp dụng công nghệ
Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành TT&TT được tổ chức hôm nay, ngày 28/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến trách nhiệm, sứ mệnh của ngành TT&TT đối với sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
“Đất nước mình phải ổn định để phát triển, nhưng muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là phải sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số. Với cả hai vấn đề ổn định và phát triển, Bộ TT&TT đều có trách nhiệm rất lớn với xã hội, với Đảng, Nhà nước… Các đồng chí có trách nhiệm lớn lao lắm! Các đồng chí sẽ góp phần vinh quang cho Tổ quốc. Tổ quốc có phát triển mạnh mẽ hay không là ở việc áp dụng công nghệ”, Thủ tướng đánh giá.
Cho biết TT&TT được ví như “mặt trận không bao giờ im tiếng súng”, Thủ tướng đề nghị các cán bộ ngành TT&TT phải là những người luôn giữ “cái đầu lạnh và trái tim hồng”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải đi trước một bước. |
Cũng trong phát biểu tại hội nghị, nói về phương hướng, nhiệm vụ của ngành TT&TT trong năm 2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đây chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
“Trong năm 2020, Bộ TT&TT cần đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu chính sách 4.0. Đề nghị với CMCN 4.0, chúng ta phải đi trước một bước”, Thủ tướng yêu cầu.
Năm 2020 cũng là năm tổ chức Triển lãm Thế giới số tại Việt Nam. Đây là sự kiện công nghệ số lớn nhất thế giới do Liên minh Viễn thông Thế giới thuộc Liên hợp quốc tổ chức. Sau 49 lần tổ chức ở các nước khác. Lần thứ 50, sự kiện này đã được tổ chức ở Việt Nam. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là một sự kiện lớn. Việc đổi tên triển lãm là một sáng kiến đề xuất của Việt Nam. Điều này giúp làm thay đổi cơ bản về nội hàm của Triển lãm này.
Với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tổ chức tốt triển lãm thế giới số lần này sẽ góp phần thúc đẩy hình ảnh và uy tín quốc gia, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang áp dụng mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ 4.0.
Cùng với đó, năm 2020 Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT cần áp dụng công nghệ 4.0 vào 300 cuộc họp cấp Bộ trưởng khu vực ASEAN. “Nguyên thủ các nước ASEAN phải thấy được các tiến bộ của Việt Nam về công nghệ. Bộ TT&TT cần tham mưu đề xuất với Bộ Ngoại giao và các đơn vị có liên quan để Hội nghị ASEAN Việt Nam phải áp dụng công nghệ một cách mạnh mẽ, thay vì cách làm thủ công như trước”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trong các hoạt động cụ thể: chiến lược phát triển, chính sách, thể chế phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng, kiểm tra đôn đốc. Đồng thời, Bộ TT&TT tăng cường phối hợp, chủ động xử lý với các ngành công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, các địa phương… Đặc biệt là năm 2020 là năm có nhiều sự kiện đối ngoại nên sự phối hợp chỉ đạo vô cùng quan trọng.
“Chúng ta đều biết bốn con hổ là biểu tượng của sự trỗi dậy của Châu Á. Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta. Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển”, Thủ tướng chia sẻ
Làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia
Đề cập đến định hướng của các lĩnh vực ngành TT&TT trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu về bưu chính Bộ TT&TT phải xây dựng được mạng lưới chuyển phát sâu rộng tới từng hộ gia đình nhằm tạo nền tảng cho thương mại điện tử phát triển.
Với viễn thông, ghi nhận sự thành công bước đầu của việc thương mại hoá 5G bằng thiết bị Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cương quyết không chậm hơn so với thế giới. 5G là nền tảng về hạ tầng, về phát triển các ứng dụng công nghệ mới.
Thủ tướng cũng thống nhất với kiến nghị của Bộ TT&TT về việc tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới. Điều này là để 100% người dân Việt Nam có điện thoại thông minh và bổ sung tần số 4G nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới và tốc độ băng rộng.
Theo Thủ tướng, không chỉ Samsung sản xuất điện thoại thông minh mà VinGroup và Bkav cũng đã rất cố gắng tự sản xuất. Đánh giá đây là một sự cố gắng lớn của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng cho biết, điện thoại Việt Nam đã bán được ra Myanmar và nhiều nước khác. Người đứng đầu Chính phủ cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thủ đô về việc sản xuất smartphone.
“Chương trình công tác giai đoạn mới như việc phổ cập 5G, phổ cập điện thoại thông minh, dịch vụ công trực tuyến nên được chủ động triển khai sớm từ đầu năm 2020”, Thủ tướng yêu cầu.
Cụ thể, theo Thủ tướng, hôm nay chung ta công bố về thành công trong sản xuất thiết bị 5G ở Việt Nam, thì tính phổ cập trong năm 2020 phải được đặt ra. Chúng ta xác định 5G là hạ tầng quan trọng… Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia. Thủ tướng biểu dương Viettel và VinGroup đã đầu tư thành công thiết bị 5G ở Việt Nam, đồng thời yêu cầu Bộ TT&TT tạo mọi điều kiện làm được phổ cập.
Chuyển biến căn bản Chính phủ điện tử Việt Nam trong năm 2020
Về xây dựng Chính phủ điện tử, nhấn mạnh vai trò đột phá của Chính phủ điện tử trong việc thực hiện Chính phủ phục vụ người dân, kiến tạo phát triển, Thủ tướng chỉ rõ, trách nhiệm này thuộc về Bộ TT&TT. Bộ cần làm tốt vai trò điều phối phát triển Chính phủ điện tử trong khi vẫn phát huy được sự chủ động của các bộ ngành, địa phương.
Thủ tướng đề nghị, ngay từ đầu năm 2020, Bộ TT&TT cần xây dựng chiến lược về Chính phủ điện tử vì chúng ta xác định đây là một chặng đường dài, qua nhiều thời kỳ và cần có sự xuyên suốt, không thể một năm là thành công ngay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong năm 2020, Chính phủ điện tử Việt Nam phải có những chuyển biến căn bản, đó là phải kết nối, chia sẻ dữ liệu tới 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; 100% hệ thống CNTT phục vụ Chính phủ điện tử. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 – các dịch vụ được thực hiện hoàn toàn qua môi trường trực tuyến. “Điều này sẽ giúp giảm tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, thứ hạng về Chính phủ điện tử ở Việt Nam còn khiêm tốn. Bộ TT&TT với vai trò đầu mối thường trực xây dựng Chính phủ điện tử, cần đưa thứ hạng của Việt Nam đi lên. Để làm được điều đó, Bộ TT&TT phải trực tiếp xử lý và tham mưu xử lý các vấn đề về công nghệ và đặc biệt là việc kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Chỉ đạo Bộ Công an cần sớm có cơ sở dữ liệu (CSDL) về dân cư, Thủ tướng cho rằng, từ Chính phủ khóa trước đến khóa này chưa làm được cơ sở dữ liệu về dân cư thì khó có thể nói là làm tốt Chính phủ điện tử hay Chính phủ số. CSDL của bảo hiểm xã hội đã được làm xong, CSDL về đất đai cũng đã làm được nhiều, tuy nhiên CSDL về dân cư vẫn còn thấp cho nên việc sử dụng bị hạn chế.
Trước thực tế đô thị thông minh đang nở rộ, Thủ tướng đề nghị Bộ sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh, xác định cấu phần của đô thị thông minh, nhất là cơ chế giám sát, điều hành từ đó có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào, kém hiệu quả, lãng phí. Cần sơ kết bài học từ Thừa Thiên Huế để giảm chi phí, ứng dụng nhiều nội dung từ xử lý rác thải, quản lý tội phạm đến xử lý sự cố.
Năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào đầu năm 2020. Bộ TT&TT cần phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư vào hạ tầng số, đi trước một bước về chuyển đổi số và đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số.
Bộ TT&TT cũng cần hình thành các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác.Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp và dự kiến tới đây sẽ có 1 triệu doanh nghiệp. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mới chỉ là 50.000, vì thế vẫn còn đó rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Nhận định lĩnh vực an toàn thông tin mạng có nhiều bài toán đặt ra, Thủ tướng cho rằng, trong tất cả hoạt động, các lĩnh vực, an toàn, an ninh mạng vẫn là điều kiện tiên quyết của Chính phủ điện tử và Chuyển đổi số. An ninh, an toàn mạng là rất cần thiết ở Việt Nam. Theo Thủ tướng, Việt Nam phải làm chủ các sản phẩm an toàn an ninh mạng. Phải tiếp tục phối hợp đào tạo lực lượng an toàn an ninh mạng. Việc đảm bảo an toàn an ninh mạng là đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trong không gian mạng.
Cùng với đó, Trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia phải được đầu tư tích cực để đủ năng lực giám sát, phân tích, dự báo tình hình trên không gian mạng để kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, đảm bảo một không gian mạng lành mạnh và trật tự.
Thủ tướng chỉ đạo, tới đây, cần phải phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp CNTT, tăng quy mô cả về số lượng và doanh thu (Ảnh minh họa) |
“Make in Vietnam” là một định hướng lớn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Bộ TT&TT phải trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ngay trong tháng 1/2020 để tiến tới trình Chính phủ Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. “Chúng ta phải có định hướng để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công sang làm chủ và sáng tạo về công nghệ tập trung các giải pháp phát triển Việt Nam, từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra thế giới. Các doanh nghiệp CNTT phải đi đầu trong chiến lược “Make in Vietnam” là điều Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu và Thủ tướng cho biết ủng hộ định hướng này.
Tới đây, cần phải phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp CNTT, tăng quy mô cả về số lượng và doanh thu. Tổng số doanh thu 110 tỷ USD là tiến bộ nhưng phấn đấu có quy mô tốt hơn. Không chỉ là 50.000 mà phải phấn đấu 100.000 doanh nghiệp, không phải chỉ có một Viettel, VNPT, CMC mà phải có hàng trăm, hàng chục doanh nghiệp có quy mô lớn như thế để doanh thu, hiệu quả, số lượng người phải đông hơn.
“Bộ TT&TT cần phải thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn của toàn cầu vào Việt Nam. Đây là một yêu cầu trong năm 2020. Không chỉ phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ trong nước mà còn thu hút các tập đoàn lớn vào Việt Nam. Trong thành công năm vừa qua về xuất nhập khẩu có đóng góp rất lớn của lĩnh vực CNTT kể cả những nơi sản xuất thiết bị di động như Samsung. Không phải chúng ta một mình một cửa, phải có nhiều người làm với chúng ta, có như vậy chúng ta mới thành công”, Thủ tướng yêu cầu.
Mạnh Hưng