Càng gần Tết, nhu cầu làm đẹp càng tăng. Đi kèm với đó, rủi ro về tai biến càng lớn.
Ẩn họa từ các spa
Đều đặn vài tháng qua, chị H.P. (ngụ Khánh Hòa) liên tục phải di chuyển giữa TPHCM và quê nhà để điều trị biến chứng khi đi làm đẹp.
4 tháng trước, chị P. đi làm môi bằng laser tại một spa gần nhà. Sau vài ngày, môi chị xuất hiện sẹo cứng phía trên, kèm cảm giác đau, cứng khi cười.
“Sau khi phát hiện có vấn đề, tôi liên hệ với spa và được an ủi vết thương sẽ bình thường trở lại sau một tuần. Tuy nhiên, sau đó, tình trạng không đỡ hơn, tôi tiếp tục phản ánh. Lúc này, nhân viên spa cho tôi tiêm thuốc làm mềm sẹo và giới thiệu thuốc có xuất xứ từ Hàn Quốc”, chị P. kể.
Sau nhiều tháng, vết sẹo ngày càng cứng, tạo thành khuyết điểm kém duyên trên gương mặt chị P. khi cười. Lúc này, chị P. mới vào TPHCM thăm khám và hốt hoảng khi biết mình bị biến chứng thẩm mỹ.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, trung bình mỗi năm đơn vị này tiếp nhận khoảng 200-500 bệnh nhân bị biến chứng sau thẩm mỹ.
Nguyên nhân của các tai biến này, theo bác sỹ Thúy là do không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn; người thực hiện không có chuyên môn; thiết bị không qua thẩm định, hư hỏng… Hầu hết được thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ "chui" hoặc nguy hiểm hơn là tự thực hiện tại nhà.
Nhớ lại một trong những ca cấp cứu vì tai biến thẩm mỹ từng tiếp nhận, BSCKII Vũ Hữu Thịnh, Điều hành và quản lý khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, không thể quên hình ảnh nữ bệnh nhân ngoài 30 (ngụ TPHCM) với vòng 3 chảy dịch nhập viện vào ngày 30 Tết.
“Trước đó, bệnh nhân quyết định ‘độ’ vòng 3 bằng phương pháp tiêm filler tại một spa gần nhà. Sau vài ngày, vòng 3 cô căng cứng, đau nhức, chảy mủ. Đến khi vào cấp cứu, vùng mông nạn nhân đã hình thành ổ áp xe. Chúng tôi phải phẫu thuật xử lý áp xe và theo dõi sát sức khỏe bệnh nhân trong cả Tết Nguyên đán”, bác sĩ Thịnh chia sẻ.
Nhu cầu tăng cao, chờ một tuần mới có lịch mổ
Theo bác sĩ Thịnh, thời gian gần đây, nhu cầu làm đẹp ngày một tăng. Tại nơi ông đang công tác, đa phần khách hàng phải chờ khoảng một tuần mới có lịch mổ. Trong khi đó, thời gian trước, họ có thể được xử lý liền trong ngày hoặc ngay hôm sau.
Theo bác sĩ, những khách hàng phẫu thuật cận Tết có thể chia làm 2 nhóm chính.
Nhóm đầu tiên mong muốn làm các thủ thuật cho kết quả nhanh để chơi Tết. Nhóm này thường được tư vấn làm thẩm mỹ nội khoa mang lại kết quả hoàn thiện sau 1-2 tuần.
Nhóm thứ 2 lại tranh thủ dịp Tết để nghỉ ngơi sau mổ. Nhóm này được xử trí vùng mặt nhiều hơn hoặc thực hiện nhiều phẫu thuật hơn.
Một nhóm khác cũng có sự gia tăng gần đây là các Việt kiều. Nhóm này thường tranh thủ thời gian về quê ăn Tết để làm đẹp do chi phí ở Việt Nam có giá phải chăng, tay nghề bác sĩ và công nghệ tốt.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Bộ môn Tạo hình thẩm mỹ, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng cho biết cuối năm là thời điểm nhiều người lựa chọn để làm đẹp.
“Một số người làm thẩm mỹ từ cách Tết vài tháng. Một số người lại chọn cách vài tuần mới đi làm đẹp”, bác sĩ cho biết.
Kinh nghiệm làm đẹp "chuẩn"
Theo bác sĩ Liêm, nhiều người cũng tranh thủ thực hiện nhiều thủ thuật thẩm mỹ trong một lần, chẳng hạn như cắt mắt, nâng mũi, hút mỡ bụng, hoặc nâng ngực...
Điều này mang lại những lợi ích nhất định như giảm thiểu số lần phẫu thuật và thời gian chăm sóc hậu phẫu. Tuy nhiên, nếu làm quá nhiều thủ thuật trong một lần có thể dẫn đến những biến chứng nhất định.
Ông khuyến cáo thay vì thực hiện nhiều thủ thuật cùng lúc, mọi người nên chọn lựa những thủ thuật ít xâm lấn hơn, chia nhỏ và thực hiện dần. Điều quan trọng là cần tìm đến các cơ sở uy tín, có đầy đủ chuyên khoa; bác sĩ tay nghề tốt, hiểu rõ nhu cầu và cơ địa của mình. Điều này giúp tối ưu hóa kết quả và tránh những rủi ro không mong muốn.
Còn theo bác sĩ Vũ Hữu Thịnh, mọi người cần hiểu rõ việc làm đẹp không thể mang lại kết quả rõ ràng trong thời gian ngắn. Do đó, ông khuyến cáo nên phẫu thuật thẩm mỹ ít nhất 3 tháng để cơ thể có thể hồi phục và có kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, trước khi lựa chọn cơ sở làm đẹp, mọi người cần tìm hiểu về bác sĩ và cơ sở thẩm mỹ trên trang web các cơ quan quản lý. Tránh chỉ nghe một chiều từ quảng cáo hay giới thiệu của bạn bè, người thân.
Ngoài ra, cần gặp bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho mình để bàn bạc và lắng nghe tư vấn trực tiếp thay vì thông qua đội ngũ tư vấn.
Theo ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, thành phố hiện có 37 bệnh viện thẩm mỹ, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện, 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 414 phòng khám chuyên khoa da liễu.
Bên cạnh đó là 3.891 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế (bao gồm các spa, cơ sở chăm sóc da…). Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế này do các quận, huyện cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép.
Sự phát triển nhanh của các cơ sở thẩm mỹ đã phần nào đáp ứng nhu cầu làm đẹp của người dân nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Đặc biệt là những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế nhưng lại “lấn sân” sang thực hiện các kỹ thuật y tế. Các thẩm mỹ chui, thẩm mỹ không phép cũng ngày càng gia tăng gây nên nhiều ca tai biến thẩm mỹ.
Không giấy phép, không bằng cấp y tế nhưng vẫn ngang nhiên hút mỡ, nâng mũi khiến khách hàng phải cấp cứu, 2 cơ sở thẩm mỹ tại quận 1 và TP Thủ Đức có dấu hiệu trốn trách nhiệm.