Một quán ăn nhỏ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) đã dán mã QR Code để khách thanh toán từ nhiều năm nay. Dù ăn tô phở 35 ngàn hay một dĩa cơm Bắc 25 ngàn, khách cũng có thể chọn trả tiền mặt hay dùng ứng dụng di động để quét mã QR và trả tiền.
Vài năm trước khi trả tiền bằng QR Code chưa phổ biến, các quán thường thích nhận tiền mặt để dễ thanh khoản. Song quán ăn truyền thống nói trên vẫn khá dễ chịu khi khách chỉ thích quét mã QR, vì khách hàng xung quanh chủ yếu là dân văn phòng – thích thanh toán không dùng tiền mặt.
Một thống kê mới đây của Payoo – nền tảng thanh toán phổ biến tại Việt Nam – cho thấy mảng đồ ăn thức uống (F&B) tăng trưởng mạnh nhất về số lượng giao dịch. Điều này rất dễ hiểu vì tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… hầu như chuỗi nhà hàng nào cũng đều cho thanh toán bằng nhiều nền tảng khác nhau.
Các quầy tính tiền của nhà hàng hiện nay phủ đầy mã QR của Grab, MoMo, ShopeePay, VNPay… Khách hàng có thể dùng ứng dụng ví điện tử, ứng dụng gọi xe, hay hầu hết mọi ứng dụng ngân hàng để thanh toán.
Theo số liệu ghi nhận trên hệ thống thanh toán của Payoo, nhóm F&B tăng đến 79% về số lượng và 90% về giá trị giao dịch. Điều này có nghĩa số tiền thanh toán bằng QR Code đang tăng lên, không còn giới hạn ở các khoản tiền nhỏ như trước.
Báo cáo cho thấy các lĩnh vực, các nhóm có tỷ lệ tăng trưởng thanh toán bằng QR mạnh mẽ nhất là nhóm Siêu thị, Cửa hàng tiện lợi, nhóm Thực phẩm, đồ uống và nhóm Công nghệ.
Siêu thị tăng 68% về số lượng và 45% về giá trị so với quý trước. Thanh toán QR mảng Công nghệ quý này bứt phá với giá trị giao dịch tăng gấp đôi ở nhóm các sản phẩm điện thoại, laptop và tăng 50% với nhóm các sản phẩm liên quan điện máy.
Trong lĩnh vực thời trang, phụ kiện, hình thức thanh toán này cũng ghi nhận mức tăng trưởng trung bình gần 50% cả về số lượng lẫn giá trị. Sự tăng trưởng của nhóm ngành thời trang do nhiều đối tác thuộc ngành này tích cực tổ chức các chương trình khuyến mãi kích thích người dùng trải nghiệm quét mã QR.
Thanh toán bằng mã QR có sự khác biệt về giá trị đơn hàng trung bình giữa các ngành hàng. Cụ thể, giá trị đơn hàng trung bình của ngành siêu thị là 600.000 đồng – hơn 1 triệu đồng, cửa hàng tiện lợi từ 100.000 đồng – 200.000 đồng, ngành thời trang là 1,5 triệu – 2 triệu đồng. Trang sức, phụ kiện là 5-6 triệu đồng. Điện thoại và điện máy có giá trị đơn hàng cao, từ 5 triệu hoặc có những đơn hàng lên tới hơn 20 triệu.
Như vậy, dễ thấy có sự dịch chuyển trong xu hướng thanh toán bằng mã QR trong thời gian gần đây. Từ việc quét mã để trả tiền cho một ly cà phê, một tô phở, vài chai nước ở cửa hàng tiện lợi, người dân đã bắt đầu thanh toán cho các món hàng giá trị cao hơn – như điện thoại, laptop.
Payoo cho hay, các giao dịch thanh toán có giá trị nhỏ chủ yếu đến từ QR của ví điện tử. Trong khi đó, với giá trị giao dịch từ vài triệu đồng, người dân sử dụng QR từ ứng dụng mobile banking của ngân hàng. Điều này cho thấy một xu hướng khác, rằng người dân vẫn dùng ví điện tử cho các giao dịch hàng ngày. Trong khi với các món hàng giá trị cao, khách hàng vẫn dùng nguồn tiền có sẵn trong tài khoản ngân hàng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR tăng 86%. Số liệu qua nền tảng thanh toán Payoo cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng của hình thức này, với mức tăng của quý 3/2022 là 62% về số lượng và 53% về giá trị so với quý 2/2022, bao gồm cả giao dịch qua cổng thanh toán Payoo và thanh toán tại quầy qua Payoo POS.
Không chỉ giúp người dùng tiện lợi trong việc thanh toán đơn hàng, các giải pháp thanh toán mới ứng dụng QR code dành cho doanh nghiệp cũng được các đơn vị thanh toán triển khai trên thị trường, góp phần tạo thêm những bước tiến mới trong công cuộc chuyển đổi số ngành thanh toán.
Hải Đăng