Một giải pháp hợp lý không hoàn toàn đồng nghĩa với "logic" và "sự thật do các bên đưa ra" mà tính đến lợi ích hài hòa chung cũng như phải mang tính khả thi cao.

Ngày 31/8 vừa qua tại Jakarta, chuỗi 4 Hội thảo về an ninh biển do Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ) phối hợp tổ chức với lần lượt các cơ quan nghiên cứu của Philipine, Việt Nam, Malaysia và Indonesia đã kết thúc. Hàng trăm lượt ý kiến của đại diện quan chức và học giả từ các nước ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc đã phân tích và khuyến nghị những vấn đề liên đến an ninh biển của khu vực Đông Nam Á, tập trung chủ yếu vào các vùng và eo biển quan trọng như biển Đông, biển Sulu/Sulawesi, eo Malacca, Vịnh Thái Lan.

Trước những thách thức ngày càng nghiêm trọng như tranh chấp chủ quyền biển đảo, thảm họa thiên nhiên, môi trường xuống cấp, an toàn hàng hải bị đe dọa trên nhiều phương diện, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để khuyến nghị lên các chính phủ, trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp được nhiều đại biểu cho là "hợp lý" hơn cả. Theo diễn giải tại các cuộc Hội thảo, một giải pháp hợp lý không hoàn toàn đồng nghĩa với "logic" và "sự thật do các bên đưa ra" mà tính đến lợi ích hài hòa chung cũng như phải mang tính khả thi cao.

-  Tăng cường xây dựng lòng tin mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có vai trò của DOC/COC: Dù là quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo hay hợp tác đối phó với các thách thức chung như nạn cướp biển, gian lận thương mại, bảo vệ các nguồn lợi đại dương các bên liên quan đều cần xuất phát từ cơ sở lòng tin đối với nhau.


Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Nếu việc xây dựng lòng tin không đạt mức cần thiết, các cam kết sẽ chỉ nằm trên giấy. Đây là bài học kinh nghiệm của các nước thuộc Hội đồng Bắc Âu nơi việc quản lý chung các vấn đề trên biển được triển khai có hiệu quả nhờ mức độ tin cậy lẫn nhau cao.

Thực tế, do yếu tố lịch sử và điều kiện đặc thù, khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng vẫn tiếp tục cần nhiều biện pháp xây dựng lòng tin mạnh mẽ hơn nữa không chỉ trong tổng thể quan hệ đối với nhau mà còn cả những vấn đề cụ thể như hợp tác an ninh hàng hải.

- Tiến tới ngoại giao phòng ngừa: Một số đại biểu cho rằng trong khi tiếp tục xây dựng lòng tin, các bên cần áp dụng đồng thời các giải pháp ngoại giao phòng ngừa như minh bạch hóa các ngân sách mua sắm quân sự, thông báo trước những hoạt động lớn diễn ra trên biển, sử dụng công cụ đối thoại và tham vấn mỗi khi xảy ra các bất đồng và tranh chấp.

Ngoại giao phòng ngừa chính là một biện pháp hòa bình hữu hiệu, có tác dụng làm giảm căng thẳng, ngăn chặn các tình huống xung đột, kể cả khi có sự hiểu nhầm hay "tai nạn cướp cò" trên biển. ARF sẽ cung cấp một trong những quy trình ngoại giao phòng ngừa như vậy.

- Tận dụng vai trò của các thể chế khu vực: Khu vực Đông Nam Á nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn là bên khởi xướng, tham gia vô số những thể chế có liên quan đến an ninh biển. Nổi bật và nằm trung tâm trong các thể chế này là vai trò của ASEAN và các thể chế có liên quan như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và kể từ năm 2006 đến nay còn có sự xuất hiện cần thiết của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

ASEAN còn thiết lập Diễn đàn hàng hải ASEAN để thảo luận các chiến lược quản lý biển và đối phó với các vấn đề nhức nhối đang diễn ra như nạn cướp biển, khủng bố, buôn lậu.

Ngoài ra còn có một loạt các cơ chế khác như Diễn đàn lực lượng phòng vệ biển Bắc Thái Bình Dương; Hội nghị những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á (HACGAM); Hiệp định Kiểm soát Cảng biển khu vực Thái Bình Dương (thuộc Tổ chức Hàng hải quốc tế); Hiệp định Tìm kiếm Cứu nạn trên biển khu vực Bắc Thái Bình Dương; Diễn đàn An ninh hàng hải Bắc Thái Bình Dương; Hiệp định Hợp tác khu vực chống cướp biển và hoạt động vũ trang chống lại tàu thuyền (ReCAAP); Các cơ chế chung ở eo Malacca ví dụ như "Giám sát bằng hình ảnh vệ tinh" đối với hoạt động của tàu bè...

Dĩ nhiên vấn đề mấu chốt là các bên cần tôn trọng thực thi các cơ chế này.

- Phát huy luật pháp và tập quán quốc tế: Quy định quốc tế bao trùm trong các vấn đề về biển giữa các quốc gia chính là Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982). Việc tôn trọng UNCLOS 1982 và các luật có liên quan sẽ góp phần giải quyết các thách thức trên biển, kể cả tranh chấp biển đảo.

Luật quốc tế về biển quy định một cách tường minh các nguyên tắc ứng xử cũng như cơ sở để xác lập các vùng biển, tạo điều kiện cho việc quản lý dễ dàng hơn. Hiện nay chỉ còn khoảng hơn 10 nước chưa phê chuẩn UNCLOS 1982.

Một tập quán quan trọng khác được đề cập là Hiệp định Ngăn ngừa các sự cố trên biển quốc tế (INCSEA), cơ chế góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn các "tai nạn cướp cò" trước đây giữa hải quân Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mặc dù tình hình hiện nay đã khác, song các đại biểu vẫn khuyến nghị Mỹ, Trung Quốc và các nước ASEAN nghiêm túc xem xét đàm phán các cam kết kiểu INCSEA mới.

Nhìn tổng thể, ngoài việc phải tôn trọng, sự diễn giải luật của các nước theo quan điểm xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng vì hiện nay có những nước vẫn đưa ra "cách hiểu" khác nhau như đối với vấn đề "qua lại vô hại" trong khu vực đặc quyền kinh tế, thậm chí hoàn toàn vô căn cứ như "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

- Chú trọng quản lý xung đột vì giải quyết xung đột sẽ có thể kéo dài: Đây là một khuyến nghị đáng chú ý vì các bên liên quan có thể vì cái "đầu nóng" mà mất tỉnh táo trong quá trình đưa ra quyết định sẽ ứng xử với nhau như thế nào.

Ví dụ, việc tìm một giải pháp cuối cùng cho vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông sẽ là vô cùng khó khăn, quá trình này có thể kéo dài, thậm chí rất dài. Vì vậy, một số đại biểu khuyến nghị các bên nên ưu tiên các giải pháp quản lý xung đột. Nó giống như vai trò của trọng tài trong một trận bóng, vấn đề quan trọng không chỉ là kết quả cuối cùng mà trong thời gian trận đấu, ông ta cần tập trung để kiểm soát, bảo đảm trận đấu diễn ra đúng luật.

Cơ sở thực tế của đề xuất này là do các bên tiếp tục "ghè" nhau, "không xuống thang" về chủ quyền nên nhiều khu vực biển đã không được quản trị tốt.

Dĩ nhiên, việc quản lý xung đột cần được áp dụng song song với các giải pháp khác, tranh việc lấy cớ "cần quản lý chung" để biến một vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp.

- Vai trò xây dựng của các nước lớn: Ở khu vực Đông Nam Á, ASEAN là thể chế quan trọng nhất, đang trên đường trở thành một cộng đồng chung vào năm 2915. Mặc dù vậy, như lịch sử và hiện tại cho thấy, vai trò của các nước lớn cũng vô cùng quan trọng. Điều này thể hiện trên nhiều khía cạnh như hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước ven biển trong quản lý biển, thể hiện lập trường trong các cuộc tranh cãi ngoại giao và va chạm trên thực địa.

Đối với Mỹ, bên cạnh các vai trò trên còn là hàng loạt các cơ chế tập trận, diễn tập nhạy cảm với một số nước trong khu vực như RIMPAC, Hổ mang vàng, Kalimantan, Thiên thần Thái bình dương, tìm kiếm cứu nạn.

Còn Trung Quốc, ngoài là bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyển biển đảo ở biển Đông còn đề xuất các cơ chế hợp tác song phương khác với các nước Đông Nam Á. Ví dụ mặc dù đã có Diễn đàn Hàng hải ASEAN nhưng Trung Quốc vẫn đề xuất lập diễn đàn hàng hải song phương với Indonesia.

Ấn Độ, Nhật Bản và các cường quốc tầm trung trong khu vực như Hàn Quốc, Australia cũng là những nhân tố đáng kể.

Về lý tưởng, các nước lớn cần phải hành động có trách nhiệm, mang tính xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử của khu vực như DOC/COC, Hiệp định thân thiện và hợp tác tại khu vực Đông Nam Á, không dùng sức mạnh bất đối xứng để lấn lướt các nước nhỏ trong quan hệ quốc tế.

Thạch Hà, từ Jakarta