Đây là tình huống hy hữu mà người đàn ông 34 tuổi, ngụ tại Bình Thuận gặp phải. Khai thác bệnh sử ghi nhận, ngày 21/5, người này đi làm ở vườn nhà và đào được xác nhộng ve sầu với hình thù cây nấm. Anh nghĩ đó là đông trùng hạ thảo nên mang về ăn khoảng 12-14 chiếc vào khuya cùng ngày.
Ngay sau đó, người bệnh xuất hiện cảm giác mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn rồi ói rất nhiều và được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Nam Bình Thuận. Sau khi sơ cứu, anh được chuyển đi TP.HCM.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh tỉnh, bí tiểu, yếu mỏi cơ, đau bụng, nôn ói. Lúc này, các bác sĩ ghi nhận nhịp tim bệnh nhân chậm. Theo bác sĩ, nhịp tim có thể bị chậm trước nhưng không biết hoặc do tác dụng của nấm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết bệnh nhân đang nằm phòng hồi sức cấp cứu trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được và tự thở. Sức cơ tứ chi của bệnh nhân cải thiện.
Bác sĩ giải thích ve sầu đẻ trứng vào trong đất rồi phát triển thành ấu trùng (hay còn gọi là nhộng ve sầu). Nhộng ve sầu nằm có thể ở bên cạnh các bào tử nấm. Nấm tấn công và sống ký sinh trên vật chủ (nhộng ve sầu), thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài.
Các loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ. Vì vậy, chúng có tên là “đông trùng hạ thảo”.
Tùy theo loại nấm ký sinh là nấm có lợi cho sức khỏe hay nấm độc, “đông trùng hạ thảo” có thể là thức ăn bổ dưỡng hoặc gây độc cho con người giống trường hợp này.
Hiện không thể xác định chính xác loại nấm nào gây ngộ độc cho bệnh nhân. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào bệnh sử và triệu chứng. Ngộ độc nấm sau ăn xác nhộng ve sầu cũng không có thuốc giải đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo người dân nếu muốn sử dụng “đông trùng hạ thảo”, cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng hoặc có được chuyên gia tư vấn để phòng tránh các nguy cơ cho sức khỏe, tính mạng.