- “Giai thoại kể lại rằng: Ông ngoại tôi từng tuyên bố trước cả gia đình nếu mẹ tôi ăn chịu ăn một miếng thịt gà ông sẽ thưởng một chiếc nhẫn kim cương. Dù vậy mẹ tôi vẫn không hề động đũa”, bà Bùi Thị Mai, con gái giai nhân Đỗ Thị Bính chia sẻ.
Nói về vẻ đẹp của con gái Hà Nội xưa, người dân Hà Thành thường nhắc đến “Tứ đại mỹ nhân” là cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy.
Họ là những nhan sắc nổi tiếng làm mê đắm nhiều chàng trai đương thời. Trong đó thiếu nữ Đỗ Thị Bính (SN 1915, ở số 37 Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học, Đống Đa, Hà Nội) là nhân vật được chú ý đến hơn cả.
Gia đình giàu có
Đỗ Thị Bính là con gái của nhà tư sản Đỗ Lợi, một trong những người giàu nhất Hà Nội trước năm 1930, và bà Nguyễn Thị Quỹ. Cụ Đỗ Lợi (1893-1961) là người thành công trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng.
Năm 1930, cụ Đỗ Lợi mua lại xưởng gạch hoa Vạn Cẩm của một Hoa kiều (ở giữa ngõ Văn Hương, nay là số 95 Tôn Đức Thắng) vừa sản xuất gạch hoa, cụ Lợi vừa nuôi ngựa đua.
Bà Đỗ Thị Bính (áo đen, đang ngồi) cùng các chị họ và bạn của chị. Ảnh gia đình cung cấp |
Công việc kinh doanh vật liệu xây dựng phát đạt, cụ Đỗ Lợi chuyển sang lĩnh vực thầu khoán. Có tới gần 20 công trình lớn nhất Hà Nội khi đó đều do cụ Lợi làm chủ thầu.
Trong Tuần lễ vàng 1945, gia đình cụ Đỗ Lợi đã tham gia góp 45 lạng vàng. Sau đó, từ năm 1954, gia đình cụ Đỗ Lợi ở lại Hà Nội và trong những đợt cải tạo công thương nghiệp, cụ đã hiến 18 ngôi nhà cho Chính phủ.
Về sự giàu có của cụ Đỗ Lợi, bà Bùi Thị Mai, con gái ruột của người đẹp Đỗ Thị Bính, cháu ngoại cụ Đỗ Lợi, cho biết: “Có giai thoại kể lại rằng, trước khi di tản phục vụ kháng chiến, tài sản của gia đình quá nhiều không mang đi hết được. Ông ngoại tôi, cụ Đỗ Lợi, đã quyết định phải để lại một phần.
Thời đó, ngôi nhà của gia đình có xây trần, phía trên là mái. Khoảng không gian từ mái lên trần khá kín đáo, ít người biết.
Ông ngoại tôi đã cho người nhà sắp nhiều vàng bạc giấu trên đó. Tuy nhiên, sau này gia đình quay trở lại Hà Nội thì số vàng này đã không còn”.
Tiểu thư lá ngọc cành vàng
Với người vợ Nguyễn Thị Quỹ, cụ Đỗ Lợi có 3 người con nhưng nổi tiếng hơn cả là người con gái cả xinh đẹp Đỗ Thị Bính.
Đỗ Thị Bính rất được cha yêu mến. Khác với nhiều tiểu thư khuê các ngày đó, dù sinh ra trong gia đình giàu có nhưng từ nhỏ Đỗ Thị Bính đã rất thạo việc nhà.
Bà Bùi Thị Mai chia sẻ: “Từ năm 12 tuổi, mẹ tôi đã giúp ông ngoại trong công việc làm ăn. Bà được cha giao cho trách nhiệm trông coi vật liệu xây dựng, trông thợ làm việc”.
Như nhiều thiếu nữ đương thời, bà Bính cũng rất mê thơ và tiểu thuyết. Bà thường đọc tiểu thuyết Pháp. Các con bà cho biết: “Đến tận khi mẹ tôi đã ngoài 70, sở thích đọc tiểu thuyết của bà vẫn không thay đổi. Bà thường ra hiệu sách mượn về đọc đến quên ăn quên ngủ”.
Bà Bùi Thị Mai kể thêm: "Mẹ tôi dáng cao, da trắng hồng. Bà thường mặc đồ đen như một sở thích và cũng bởi trang phục màu đen tôn lên làn da trắng của bà, khiến bà vừa bí ẩn vừa cuốn hút. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi bà là "người đàn bà áo đen".
Bà Bính trong ngày cưới. Ảnh: Gia đình cung cấp |
"Cậu tôi, Đỗ Huân (em trai bà Đỗ Thị Bính, nhiếp ảnh gia đầu tiên nhận giải thưởng ảnh quốc tế cho tác phẩm "Hạnh phúc") là người ghi lại khá nhiều hình ảnh của mẹ tôi”, bà Bùi Thị Mai tiếp tục kể.
Cũng theo bà Mai, nhà tư sản Đỗ Lợi rất yêu chiều cô con gái xinh đẹp. Đỗ Thị Bính rất “khảnh ăn” dù gia đình không thiếu gì của ngon vật lạ.
Cụ Đỗ Lợi lại nhiều khách nên thường mời đầu bếp về chế biến món ăn đãi khách cũng như phục vụ gia đình nhưng các món ngon không làm Đỗ Thị Bính hài lòng. Giai nhân Hà thành ăn rất ít và chỉ ăn một số món yêu thích. Ngoài ra có một số món như thịt gà bà tuyệt nhiên không động đũa.
Do sở thích ăn uống khắt khe nên người Đỗ Thị Bính luôn mảnh khảnh. Việc này làm cụ Đỗ Lợi rất lo lắng. Cụ làm mọi cách để con gái ăn nhiều hơn. Cụ cho người tìm món ngon vật lạ, thay đổi cách chế biến… nhưng cô con gái vẫn không hài lòng.
Bà Mai chia sẻ: “Thậm chí trong gia đình tôi còn truyền giai thoại: Ông ngoại từng tuyên bố trước cả gia đình trong một bữa cơm rằng nếu mẹ tôi ăn chịu ăn một miếng thịt gà ông sẽ thưởng một chiếc nhẫn kim cương. Mỗi miếng là một chiếc nhẫn nhưng dù vậy, mẹ tôi vẫn không hề động đũa”.
Cũng theo bà Mai, hồi nhỏ, Đỗ Thị Bính được cha cho đi học rất tử tế. Tuy nhiên năm 12 tuổi, trong một lần đi học, bà bị tai nạn lúc đang băng qua đường. Quá lo lắng cho con gái, cụ Đỗ Lợi đã phải yêu cầu con nghỉ học ở trường. Cụ mời thấy giáo về dạy cho con gái ngay tại nhà.
Một câu chuyện khác cũng cho thấy nhà tư sản Đỗ Lợi rất yêu chiều con gái. Bà Đỗ Thị Bính rất yêu thích hoa hồng leo. Bà mê mẩn hoa hồng từ ngày còn là thiếu nữ.
Biết con gái thích loài hoa này, cụ Đỗ Lợi đã cho người trồng luôn một giàn hoa ngay trước sân căn nhà ở phố Hàng Đẫy. Từ ngày có giàn hồng, bà thường ra sân tưới cây, cắt tỉa.
Mái hiên bên cạnh vườn có mấy chiếc ghế mây, bà thường nghỉ ngơi trên ghế xem sách hoặc đi dạo quanh vườn. Hình ảnh thiếu nữ xinh đẹp ngồi dưới dàn hoa hồng đã khiến không biết bao nhiêu trái tim của các chàng trai Hà Nội đương thời rung động.
Trong đó có nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, người lớn hơn Đỗ Thị Bính một tuổi, đang làm việc ở tòa soạn báo. Nhà thơ luôn mượn cớ để được đi qua ngôi nhà 30 phố Hàng Đẫy, ngắm nhìn người đẹp. Những lần người đẹp chưa xuất hiện bên vườn hoa, ông phải đợi cho đến lúc nhìn thấy cô, đứng ngắm cô một lúc rồi mới chịu đi.
Trong thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng luôn thấp thoáng bóng một người con gái dịu dàng với làn da trắng và đôi môi đỏ. “Nàng thơ” ấy chính là tiểu thư Đỗ Thị Bính.
Năm 1938, nhà thơ tạ thế vì bệnh tật. Sau khi Nguyễn Nhược Pháp mất được một năm, gia đình thuyết phục bà Bính đi lấy chồng, một chàng kỹ sư học ở Pháp về.
(Còn tiếp)
Số phận bi ai của 3 tuyệt sắc giai nhân trong cuộc đời Nguyễn Văn VĩnhSinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh có ba người vợ, cả ba người vợ này đều là những tuyệt sắc giai nhân nhưng đều có một cuộc đời bi ai phía sau người chồng tài hoa, bạc mệnh... Cuộc đời bi thương và 3 bức thư dưới gối của nhà thơ Nguyễn Nhược PhápMẹ mất khi còn bé thơ, cuộc đời nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp dường như luôn lẩn quất những nỗi buồn. Ông sớm ra đi vì bệnh tật. Mãi gần nửa thế kỷ sau ngày mất, người thân mới đưa được ông về nằm trong khu mộ của gia tộc. Đám cưới đình đám khắp Đông Dương của con trai tỷ phú đất BắcSính lễ trong đám cưới của ông Tòng, bà Tám nhiều vô kể. Riêng lễ ăn hỏi hơn 20 mươi tráp. Chưa kể lễ "đen" (tiền mặt đưa cho nhà gái) và vàng bạc phải hàng dài người bê đỡ... |
Ngọc Trang - Diệu Bình