Những món ăn đậm đà hương vị trên mâm cơm là chìa khoá quan trọng gắn kết nhiều gia đình. Tuy nhiên, vị đậm đà quá mức lại âm thầm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Lựa chọn ăn nhạt hay ăn ngon có thể là câu hỏi dễ trả lời nhưng khó thực hiện.
LỜI TÒA SOẠN
Hầu hết bữa ăn của người Việt đều đang thừa muối, lượng muối tiêu thụ của mỗi người đang gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch.
Giảm muối đã được đưa vào các chiến lược, chính sách của Việt Nam như: Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, đề ra chỉ tiêu giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày vào năm 2025; Chương trình Sức khỏe Việt Nam; Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018-2025.
Với mục tiêu vì một Việt Nam khỏe mạnh, bắt đầu bằng thay đổi thói quen nhỏ nhất trên bàn ăn của mỗi gia đình, VietNamNet xin gửi đến quý độc giả tuyến bài Người Việt ăn mặn, rước bệnh tật.
Vợ chồng lục đục vì chuyện nêm nếm
Tự nhận mình nấu nướng không giỏi nhưng phải đảm bảo "ăn sạch, sống khỏe", chị Trần Thị Lan Anh (33 tuổi, TP.HCM) luôn kỹ lưỡng với thực phẩm. Rau củ được mẹ chị chuyển từ Đồng Nai lên TP.HCM hoặc mua tại cửa hàng hữu cơ. Chị cũng duy trì thói quen hầu như không dùng bột nêm và nước mắm khoảng 5 năm qua.
Nếp ăn uống này chỉ phát sinh bất ổn khi kết hôn, chị Lan Anh và chồng thường xuyên bất đồng trên bàn ăn. “Tôi nêm rất ít gia vị, ăn đồ hấp và luộc là chủ yếu nhưng chồng chê nhạt nhẽo. Ăn vào hai miếng là anh ấy buông đũa xuống đi pha mì tôm. Ai cũng biết ăn mặn, nêm nếm nhiều sẽ không tốt cho thận, chỉ có chồng tôi không chịu hiểu”, chị Lan Anh kể.
Ăn mặn cũng là chuyện bình thường với chị Trần Quỳnh Giao (35 tuổi, Đồng Nai). Món khoái khẩu của gia đình chị là cá khô đù và khô chỉ vàng, có thể ăn hàng ngày. Khi đến quán hủ tiếu, chị luôn có một chén nước chấm tự pha chế gồm nước mắm, ớt bột, tương đen, chanh.
“Như vậy mới đậm đà ngon miệng”, chị Giao nói.
Theo số liệu năm 2015 của Bộ Y tế, lượng muối tiêu thụ trung bình của người Việt Nam ở mức 9,4g/ngày (10,5g/ngày đối với nam và 8,3g/ngày đối với nữ), cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.
Riêng ở TP Hà Nội, nghiên cứu năm 2016 về thực trạng tiêu thụ muối ở 2.946 người từ 18-69 tuổi cho thấy người dân đang ăn mặn hơn giới hạn cho phép. Gần 66% thường xuyên hoặc luôn luôn cho thêm muối - bột canh - mắm vào thức ăn trước hoặc trong khi ăn. Có đến 62,95% người dân ăn từ 5-10g muối/ngày và 36,89% ăn trên 10g muối/ngày.
Thực tế trên có thể bắt gặp ở bất cứ hàng quán nào, ở nhiều gia đình thành thị hay nông thôn, ngay cả ở thời điểm này.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết ở các nước phát triển, lượng muối ăn vào hàng ngày chủ yếu đến từ thực phẩm chế biến sẵn.
Trong khi đó, lượng muối ăn vào của người Việt chủ yếu đến từ việc nêm muối và các gia vị chứa nhiều muối vào món ăn khi bảo quản, tẩm ướp, chế biến và thói quen chấm thêm. Ngoài ra, người dân còn nạp thêm muối có sẵn trong thực phẩm chế biến sẵn như khô, giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, mì ăn liền, dưa cà muối…
Đặc biệt, lượng muối có trong mì ăn liền chiếm một lượng lớn trong chế độ ăn do nhiều người Việt Nam tiêu thụ thường xuyên.
“Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch. Thói quen này còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương, hen suyễn và nhiều rối loạn khác cho sức khỏe”, bác sĩ Chi nhấn mạnh.
Ăn mặn không chỉ đến từ mắm muối
Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho rằng rất có thể người Việt đang ăn lượng muối cao hơn mức 10g/ngày như các số liệu công bố.
“Muối” được hiểu là để chỉ tất cả các loại gia vị chứa nhiều natri như muối trắng, bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu (nước tương), mì chính... Chế độ ăn với lượng muối phù hợp là cung cấp đủ lượng muối (natri) mà cơ thể cần. Trong khi đó, người dân nghĩ ăn mặn chỉ đến từ việc nêm mắm, nêm muối.
“Ăn trái cây phải chấm muối, ăn phở phải có tương ớt, quán ăn luôn có lọ nước chấm để sẵn trên bàn. Hay ở các hàng quán bên đường, người ta có thể cho đến nửa thìa bột ngọt (mì chính) vào một tô phở. Bột ngọt thực chất là monosodium glutamate, nghĩa là muối natri. Đó là những thói quen không lành mạnh khiến cơ thể đang nạp thêm nhiều muối ”, bác sĩ Tâm lo lắng.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến nghị về lượng natri và lượng muối theo độ tuổi. Trong đó, trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày, tương đương với dưới 2.000mg natri/ngày. Bộ Y tế cũng truyền đi thông điệp về bữa ăn của mỗi gia đình: “Ăn bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”
Bác sĩ Tâm lưu ý thêm, thực tế muối natri có sẵn trong thực phẩm thiên nhiên như rau, thịt… Nếu ăn đúng khuyến cáo để phòng ngừa nguy cơ bệnh tim mạch thì người nội trợ sẽ phải nêm nếm cực kỳ ít. Đây cũng là lý do nhiều người từ chối chuyện ăn nhạt hơn khẩu vị truyền thống dù biết rõ lợi hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, ăn mặn có hại cho sức khỏe tim mạch nhưng ăn quá nhạt, không đủ lượng muối cần thiết cũng khiến cơ thể gặp nguy hiểm. Nhất là với những người bị huyết áp thấp, người làm việc trong môi trường bị mất nước, đổ nhiều mồ hôi, thiếu muối có thể gây suy nhược, rối loạn cân bằng điện giải…
“Do đó, trong bữa ăn ngoài cộng đồng, ở từng gia đình, cần đảm bảo lượng muối phù hợp trong mỗi bữa ăn để tránh gây hại cho sức khỏe. Điều này đặc biệt quan trọng với người đã mắc bệnh suy tim, suy thận… Mỗi suất ăn của người mắc bệnh sẽ tác động trực tiếp đến tình trạng bệnh tật của họ”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Bệnh nhân suy tim, suy thận "phớt lờ" lời dặn bác sĩ
Với người bình thường, lượng muối mỗi ngày không nên quá 5g để bảo vệ sức khoẻ tim mạch. Tuy nhiên, người bệnh thận, bệnh lý tim mách, đái tháo đường càng phải kiểm soát kỹ hơn để giảm lượng muối vì có thể gây phù, nguy hiểm cho sức khoẻ.
Trong đó, bệnh nhân suy tim là đối tượng rất nhạy cảm. Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể tăng nguy cơ tái nhập viện, kéo theo nguy cơ tử vong tăng cao.
Tuy vậy, việc tuân thủ chế độ ăn nhạt, giảm muối luôn rất khó khăn với người bệnh, khiến các bác sĩ phải đau đầu.