Lịch tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm được thực hiện khép kín theo 2 đợt. Đợt I tính từ ngày 01/1 đến ngày 30/6/2021 và Đợt II từ ngày 01/7-31/12/2021.
Đối với đàn gia súc, tiêm phòng vắc-xin các loại được thực hiện làm 02 đợt. Đợt I từ ngày 01/4 đến ngày 30/4/2021 và Đợt II từ ngày 01/10-31/10/2021.
Tỉnh phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt từ 80% tổng đàn trở lên.
Để đạt được tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin theo kế hoạch, huyện An Lão đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai tiêm phòng đồng loạt, dứt điểm từng thôn, làng, khu vực, đảm bảo đúng tiến độ thời gian theo kế hoạch, tránh tình trạng dàn trải, kéo dài.
Tăng cường giám sát tiêm phòng tại các trang trại chăn nuôi heo. Thực hiện cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh heo giống bố mẹ, heo con nuôi thương phẩm chấp hành tiêm phòng đầy đủ vaccine lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi trước khi xuất bán cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, UBND huyện An Lão đã ban hành Văn bản điều chỉnh triển khai thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng đợt 1/2021 cho đàn gia súc trên địa bàn huyện bắt đầu từ ngày 01/3 sớm hơn 01 tháng so với kế hoạch chung của tỉnh.
Hiện, huyện An Lão có tổng đàn gia súc hơn 45.000 con và hơn 94.600 con gia cầm.
Trong chương trình phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định, tỉnh đã đặt ra giải pháp tiêm phòng vắc-xin là nội dung quan trọng để tiến tới giảm số lượng ổ dịch LMLM và gia súc mắc bệnh từ 10 - 20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể: Phòng bệnh bằng vắc-xin lở mồm long móng với đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống. Ngoài ra, căn cứ đặc điểm dịch tễ của bệnh LMLM và nguồn lực của địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền của địa phương xem xét, quyết định việc tiêm phòng vắc-xin LMLM cho các đối tượng gia súc khác.
Thời gian tiêm phòng: Bảo đảm 2 lần tiêm phòng trong năm, mỗi lần cách nhau 6 tháng; lần 1 trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 và lần 2 trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10.
Ngoài 2 đợt tiêm chính nêu trên, các địa phương cần có kế hoạch và tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi phát sinh trước và sau các đợt tiêm chính, bảo đảm tiêm vắc xin cho tối thiểu 85% tổng đàn thuộc diện phải tiêm phòng.
Minh Phúc