Hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng đổ tiền tỷ USD vào doanh nghiệp Việt. Không ít “ông lớn” từ Thái Lan, Nhật Bản, Đan Mạch,... đang đều tay thu ngàn tỷ từ các cổ phiếu “gà đẻ trứng vàng” tại Việt Nam.
Thu quả ngọt
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) vừa thông qua quyết định tạm ứng cổ tức đợt một năm 2017, tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cp). Với quyết định này, dự kiến cuối tháng 8, một số cổ đông lớn tại Vinamilk sẽ thu về khoản tiền cổ tức rất lớn.
Trong đó, F&N Dairy Investments thuộc tập đoàn đồ uống Singapore F&N - do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền chi phối - nhận khoảng 460 tỷ đồng. Đây là cổ đông ngoại lớn nhất tại VNM, với tỷ lệ sở hơn 16% vốn điều lệ. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhận về hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.
Đầu tư vào VNM từ năm 2005, đến cuối 2016, F&N Dairy Investments cùng với F&NBev Manufacturing đã chi gần 500 triệu USD để mua 60% khối lượng cổ phiếu do SCIC thoái vốn.
Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới chứng khoán Việt Nam. |
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) cũng vừa thông báo chi 3,7 ngàn tỷ đồng trả cổ tức 3.224 đồng/cp cho các cổ đông. Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất sẽ hưởng phần lớn số cổ tức này. Tuy nhiên, một cổ đông ngoại cũng được hưởng một phần không nhỏ trong số tiền chi trả nói trên.
Đó là gã khổng lồ Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy (JX). Năm 2016, tập đoàn này đã bỏ ra gần 4 ngàn tỷ đồng để sở hữu 8% vốn, trở thành cổ đông chiến lược của Petrolimex. Tất nhiên, từ giờ trở đi cổ đông ngoại chỉ việc thu tiền về.
Không những thế, với lịch sử hoạt động hơn 100 năm và sở hữu một thương hiệu dầu bôi trơn nổi tiếng, JX đang có cơ hội mở rộng rất mạnh trên thị trường Việt Nam thông qua PLX. Cổ đông ngoại JX cũng có lời lớn bởi cổ phiếu PLX đã tăng hơn gấp rưỡi tính từ đầu 2017 tới nay.
Hàng chục cổ đông tổ chức và cá nhân nước ngoài đấu giá thành công cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng hưởng quả ngọt khi chứng kiến giá cổ phiếu tăng gấp khoảng 4 lần, từ mức hơn 14 ngàn đồng/cp hồi IPO cuối 2015 lên mức hơn 50 ngàn đồng/cp hiện nay.
Vietcombank và VietinBank vừa thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%. Theo nội dung đề cập tại đại hội cổ đông 2017, Vietcombank, BIDV và VietinBank sẽ chi hàng ngàn tỷ đồng cổ tức tiền mặt. Trong đó, cổ đông ngoại cũng sẽ được hưởng một phần không nhỏ.
Hiện Ngân hàng Nhật Bản Mizuho đang là cổ đông chiến lược sở hữu 15% cổ phần của Vietcombank. Trước đó, cuối 2011, Mizuho chi 11.800 tỷ đồng (567 triệu USD) để trở thành cổ đông chiến lược của VCB.
Săn "gà đẻ trứng vàng"
Những khoản cổ tức khổng lồ và tình hình tăng trưởng đều đặn đến từ Vinamilk, cùng nhiều lần chia tách cổ phiếu khiến các nhà đầu tư ngoại thực sự không thể bỏ qua cơ hội đầu tư vào đây.
Vốn ngoại giúp TTCK tăng mạnh. |
Tính từ đầu năm tới nay, NĐT ngoại này đã liên tục đăng ký mua cổ phần Vinamilk cho dù đã thất bại tới 5-6 lần. Rất nhiều cổ phiếu khác cũng đã và đang nằm trong tầm của các nhà đầu tư ngoại. Chỉ cần có cơ hội là họ đổ tiền vào nắm giữ
Trong phiên giao dịch 25/7, thị trường xôn xao về vụ khối ngoại mua gom thỏa thuận gần 25% cổ phần của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PGD) với tổng số tiền bỏ ra lên tới gần 1,3 ngàn tỷ đồng. Khối ngoại đã mua vào toàn bộ hơn 22,4 triệu cổ phần PGD với giá 56.600 đồng/cp, cao hơn khá nhiều so với mức giá 50.800 đồng/cp trên sàn.
Gần đây, Bộ Công Thương có kế hoạch hoàn tất thoái vốn ngay trong năm 2017 khiến bộ đôi cổ phiếu Sabeco, Habeco đồng loạt “dậy sóng”. Đây là 2 cổ phiếu được khối ngoại, trong đó có ông lớn Carlsberg (hiện nắm gữi 17% Habeco), rất quan tâm.
Bộ Công Thương đang nắm giữ 89,59% cổ phần Sabeco và 82% vốn tại Habeco, 2 DN nắm giữ khoảng 65% thị phần bia Việt Nam. Gần đây, tập đoàn bia lớn nhất tại Philippines San Miguel cho biết có thể sẽ đề nghị mua lại cổ phần Sabeco. Bên cạnh đó còn có Heineken, Singha, Thai Beverage, Ab-Inbev, Asahi Group,...
Trước đó, một DN Nhật là Mitsubishi đã đầu tư gần 340 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC). Một DN do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ tịch là Berli Jucker trước đó cũng đã mua lại chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam với giá gần 900 triệu USD vào năm 2015 và mua Phú Thái Group vào năm 2013 với mục đích thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam.
Tính tới cuối 2016, ít nhất đã có 3 tổ chức đầu tư nước ngoài rót vốn tỷ USD vào Việt Nam, bao gồm nhóm Dragon Capital với các quỹ như VEIL, VPF,... F&N Dairy Investments và Mizuho Bank.
Năm 2016, tập đoàn thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới Mondelēz International cũng bỏ ra khoảng 8 ngàn tỷ đồng mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô.
Sự hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam cũng khiến những tỷ phú hàng đầu thế giới như Bill Gates quan tâm, thông qua qua các quỹ đầu tư của mình, điển hình như VEIL.
Có thể thấy, sức hút của chứng khoán Việt Nam không hề nhỏ. Các tập đoàn lớn nước ngoài vẫn chờ đợi cơ hội để rót hàng tỷ USD vào đây. Đó là điều dễ hiểu bởi nhiều cổ phiếu Việt mang lại tỷ suất lợi nhuận rất cao, từ cổ tức, từ sự tăng trưởng ngoạn mục của giá cổ phiếu cho tới những cơ hội gián tiếp mang đến từ những doanh nghiệp đầu ngành.
Thoái vốn nhà nước sẽ giúp các DN rộng cửa phát triển. Cổ phần hóa và bán vốn là hướng đi tất yếu. Dòng vốn ngoại đổ vào cũng giúp DN phát triển nhanh và vững chắc hơn. Tuy nhiên, các cổ phiếu đầu ngành là trụ cột của nền kinh tế. Các nhà đầu tư nội không trường vốn sẽ khó có thể theo đuổi và buộc phải nhường lại "gà đẻ trứng vàng" cho các NĐT ngoại.
M. Hà