Người lớn dường như đang đi sai hướng, đi ngược lại với ba nguyên tắc căn bản trong sự hình thành con người.

Tại sao chỉ được 8 điểm? Bạn H. được mấy điểm? 10 ạ. Ăn học thế hả con? Ông nội chất vấn hết đợt một, Ba đi làm về lại tiếp tục dội xuống đợt hai. Thằng bé vừa biết điểm thi cuối năm, lớp 3. Toán 8, Tiếng Việt 8. Vậy là trượt học sinh giỏi, là thua điểm năm lớp 1 và lớp 2.

Thằng bé làm thơ hay lắm, rất vần và rất ngộ mà mấy đứa trẻ con đều khoái chí đọc thuộc. Thằng bé cũng thường bày ra các trò chơi tập thể mà bọn trẻ đều theo. Nhưng những kiến thức, kỹ năng này không có trong thang điểm, chúng không cứu nổi điểm Toán và Tiếng Việt cho em.

“Chuẩn” bỏ quên những điều căn bản

Để đạt chuẩn ở trường, học sinh bị ám ảnh bởi điểm số. Giáo viên bị ám ảnh bởi những con số. Nhà trường bị ám ảnh bởi những chỉ tiêu. Và phụ huynh cũng vậy nốt. Tất cả bước vào cuộc chiến ganh đua, so sánh. Bài tập về nhà, bài làm văn mẫu, luyện chữ, rồi học thêm được đẻ ra để cải thiện chỉ tiêu.

Văn mẫu, tư duy mẫu giết chết sự sáng tạo của bọn trẻ. Đề giao tả cái Tết của em, con tôi một mực đòi mẹ mở máy tính xem bài văn mẫu. Khi tôi gợi ý cháu tả thật những sự kiện thật trong Tết, cháu bảo như thế không giống cô giáo dạy.

Bận làm bài tập về nhà, bọn trẻ chẳng còn mấy thời gian chơi cùng các bạn, tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp làm việc nhà để tăng khả năng làm việc nhóm, khơi gợi sự tò mò và tính sáng tạo.

{keywords}
Giáo dục cần khơi dậy sự tò mò, sáng tạo của các em. Ảnh minh họa

Hệ thống giáo dục liên tục có những “trận đánh lớn”, mọi gia đình cũng quay cuồng với chuyện học của con trẻ. Nhưng người lớn dường như đang đi sai hướng, đi ngược lại với ba nguyên tắc căn bản trong sự hình thành con người.

Đó là sự khác nhau và sự đa dạng. Tôi có hai con trai, anh đầu trầm tính, em bé không bao giờ ngồi yên quá vài phút. Nhưng ở trường, cách đánh giá năng lực học tập của hai anh em dựa vào một chuẩn như nhau, cơ bản là Toán và Tiếng Việt. Anh lớn viết chữ đẹp, chăm chỉ nên được điểm cao. Em bé chỉ mê khám phá vũ trụ, nhưng sự hiểu biết về hố đen, nhật thực đâu được cộng điểm vào kết quả thi cuối năm.

Nền giáo dục hiện tại không căn cứ vào sự đa dạng, mà áp đặt một chuẩn chung. Toán và Tiếng Việt hay nhiều môn học khác là cần thiết, nhưng chưa đủ. Nền giáo dục thực sự phải đánh giá công bằng cho cả nghệ thuật, hoạt động cộng đồng, giáo dục thể chất…

Đó là sự tò mò. Khi sự tò mò được kích hoạt, trẻ sẽ tự tìm hiểu mà không cần ai trợ giúp. Giáo dục là quá trình học hỏi. Người giáo viên phải trở thành mạch máu của giáo dục, không chỉ truyền và nhận thông tin, mà phải cố vấn, kích thích tính tò mò của học sinh và dẫn dắt quá trình học hỏi.

Trong khi thực tế giáo dục của chúng ta hiện không tập trung vào dạy và học, mà là thi cử. Bài kiểm tra là quan trọng, nhưng chỉ nên dùng nó để chuẩn đoán, hỗ trợ giáo dục thay vì coi như văn hóa chủ đạo của giáo dục.

Và đó là sự sáng tạo. Trẻ em không ngừng sáng tạo. Ví dụ, để qua được bên kia bờ sông, bé cần tưởng tượng có những cách nào, bằng thuyền, bằng cầu, đi cầu phía nào gần hơn... Một nhiệm vụ của giáo dục là thức tỉnh và phát triển năng lực của sự sáng tạo. Nhưng thay vào đó, những gì chúng ta có là văn hóa của “tiêu chuẩn hóa”.

Mở không gian của niềm tin

Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra cho giáo dục Việt Nam. Ở đây người viết chỉ xin nêu ra đôi điều mà bản thân cho là cấp thiết.

Trước hết, chúng ta cần đề cao vai trò cá nhân trong việc dạy và học: Giáo dục lấy học sinh làm trọng tâm. Hệ thống giáo dục cần phải gắn kết học sinh, phát huy tính tò mò, tính tự chủ, tính sáng tạo của học sinh. Bảng điểm riêng chỉ được phát riêng cho từng cá nhân để giảm áp lực so sánh.

Và quan trọng là việc trao quyền cho cấp trường. Thực tế hệ thống giáo dục hiện nay là Bộ GD&ĐT ra quyết định, chỉ đạo và giám sát, chỉ dẫn các trường làm cách làm. Tuy nhiên, giáo dục không diễn ra ở trên văn phòng Bộ. Nó diễn ra ở lớp học, tại địa phương, với người thực hiện là giáo viên và học sinh. 

Khi được trao quyền, ngày hội Tiểu học có thể trường sẽ tổ chức khác đi. Không thi Hoa Trạng Nguyên nữa để không khuếch trương thành tích cá nhân. Thay vào đó là các hoạt động tập thể để mỗi em đều có cơ hội tham gia như đồng ca, hợp xướng, đóng kịch, tiểu phẩm, cùng vẽ một bức tranh theo chủ đề, cùng dọn vệ sinh, trồng cây. Các hoạt động này sẽ do giáo viên dẫn dắt và khuyến khích các em thảo luận và khởi xướng, cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh. 

Việc trao quyền sẽ giúp giáo viên và học sinh có niềm tin vào sự thay đổi trong mối quan hệ thầy trò, mở ra không gian để sáng tạo, đổi mới cách dạy và học. Khi đó cả giáo viên và học sinh của trường sẽ đạt được những kết quả vượt bậc bằng chính nỗ lực và sự hứng khởi của mình.

Nguyễn Thị Thu Đông

XEM THÊM: