Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới thông minh, năm ngoái huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó xã An Hòa được lựa chọn là đơn vị đầu tiên triển khai xây dựng các mô hình điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng toàn huyện trong thời gian tới.

Nội dung thí điểm dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, trường học, nhà trọ, nhà hàng… Đặc biệt, triển khai đồng loạt tới các hộ kinh doanh trên các tuyến đường 17B, tiểu thương tại chợ, các trục thôn, xã.

Tại đây, các hộ kinh doanh, các tiểu thương và người dân được hỗ trợ cấp mã QR code, mở tài khoản miễn phí, hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, giúp họ có thể dễ dàng lựa chọn phương thức thanh toán trực tuyến.

anhoa
Hiện xã An Hòa đã triển khai được 8 hạng mục thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện xã An Hòa đã triển khai được 8 hạng mục thanh toán không dùng tiền mặt. 8 hạng mục đó bao gồm thanh toán các khoản phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính xã; chi trả lương, các khoản trợ cấp, an sinh xã hội; chi trả tiền điện, nước; xây dựng mô hình tuyến đường, chợ 4.0, khu nhà trọ thanh toán không dùng tiền mặt với gần 500 địa điểm chấp nhận thanh toán...

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn thực hiện thanh toán, thu các khoản học phí, phí tại 100% các trường học với trên 60% phụ huynh học sinh chi trả các khoản thu qua các ứng dụng thanh toán; 90% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, ví điện tử…

Trên địa bàn xã cũng có trên 4.000 thuê bao sử dụng ứng dụng Viettel Money, với tỷ lệ 54,4% thực hiện thanh toán điện tử đối với các dịch vụ thiết yếu như trả tiền điện, nước, cước viễn thông.. hoàn thành xây dựng 2 điểm nạp, rút tiền, hỗ trợ kỹ thuật tại xã An Hòa.

Đánh giá cao về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn xã An Hòa, ông Lương Thế Quý – Phó chủ tịch UBND huyện An Dương cho rằng, hiện nay người dân nông thôn cũng đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. 

Việc triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện thuận lợi cho người dân trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại. 

Đồng thời, giúp người dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần nâng cao tính minh bạch trong thanh toán, đa dạng mạng lưới bán hàng, dần hoàn thiện cơ sở dữ liệu người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng xã hội số, công dân số, thúc đẩy kinh tế số.

Vì thế, xây dựng mô hình này, chính quyền huyện An Dương và xã An Hoà khuyến khích người dân khi mua sắm hãy sử dụng hình thức không dùng tiền mặt để tạo thành thói quen cũng như hạn chế được những rủi ro. Qua đó, từng bước hỗ trợ đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân các vùng nông thôn.