Chiều ngày 1/9, ngôi nhà hai tầng ở ngõ 82, đường Vũ Chí Thắng (phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng do đốt vàng mã.
Theo lực lượng chức năng, lửa bắt nguồn từ tầng hai (khu vực sân thượng) của ngôi nhà và nhanh chóng lan xuống dưới.
Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng ngôi nhà 2 tầng đã bị thiêu rụi.
Trước đó, chiều ngày 6/8, vụ cháy do người dân thiếu ý thức khi đốt vàng mã đã xảy ra tại khu chung cư trên địa bàn phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đám cháy phát ra từ ống rác thải của tòa nhà, gây khói ngạt ở khu vực tầng 3 và nhanh chóng lan sang các tầng khác.
Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường và khống chế đám cháy sau 10 phút.
Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do một hộ dân ở tầng 3 cố tình hóa vàng mã sai nơi quy định.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, trên thực tế, những vụ cháy có liên quan tới đốt vàng mã chủ yếu là do sự bất cẩn, chủ quan của con người. Nhiều người đốt vàng mã không đúng nơi quy định, vị trí đốt vàng mã gần các vật dụng dễ bắt lửa, quá trình đốt vàng mã không có người trông coi để lửa cháy lan sang các vật dụng xung quanh...
“Việc đốt vàng mã cần phải thực hiện ở đúng nơi quy định, phải có người trông coi, giám sát trong suốt quá trình đốt cho tới khi lửa tắt hoàn toàn. Khi đốt vàng mã cần lựa chọn những nơi thông thoáng, cách xa các vật liệu dễ bắt lữa. Ngoài ra, không đốt quá nhiều một lúc, hạn chế các loại vàng mã có khối lượng và kích thước lớn”, đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng lưu ý, nên đốt vàng mã trong các dụng cụ được làm bằng vật liệu không bắt lửa như thùng kim loại sắt hoặc inox, lư đồng, bê tông… có nắp đậy kín để phòng ngừa trường hợp tro hoặc tàn lửa có thể phát tán ra xung quanh, gây nguy cơ cháy nổ. Người dân cũng cần phải chờ khi lửa cháy hết, dùng nước vẩy lên tro.
Ngoài ra, đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo, mỗi hộ gia đình cũng cần phải tự trang bị các thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, thang dây, dụng cụ phá vỡ hoặc các thiết bị bảo hộ khác.
Người dân cũng cần phải trang bị kiến thức liên quan tới công tác phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn người thân trong gia đình sử dụng các thiết bị chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
“Các thiết bị phòng cháy và chữa cháy trong các hộ gia đình cũng cần phải thường xuyên kiểm tra định kỳ để đảm bảo khi có cháy nổ xảy ra, những thiết bị này vẫn có thể sử dụng được. Một điều đặc biệt lưu ý khi xảy ra cháy, người dân cần nhanh chóng thông báo cho lực lượng phòng cháy thông qua số điện thoại 114 hoặc ứng dụng Báo cháy 114”, đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nhấn mạnh.
Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, khi người dân đốt vàng mã, cần đặc biệt lưu ý yếu tố, cháy nổ luôn thường trực nếu hóa vàng không được thực đúng nơi, đúng cách.