Thời gian qua, phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” ngày càng lan tỏa và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền An Giang đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Trong công tác chỉ đạo điều hành, tỉnh đã quan tâm tập trung cho xây dựng nông thôn mới, chọn giải pháp tối ưu nhất, phù hợp với xuất phát điểm của địa phương. Theo đó, tỉnh đã chọn xã điểm, huyện điểm chỉ đạo thực hiện để rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương khác.
Đồng thời, chọn các giải pháp ưu tiên thực hiện, như: tập trung phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sự ổn định khu vực nông thôn và tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới trước mắt và lâu dài.
Nhiều địa phương đã tập trung phát triển nông thôn mới gắn với việc khai thác triệt để thế mạnh của địa phương, như: phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển mới các khu, cụm công nghiệp, nhất là các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương từ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, KTXH được quan tâm; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của huyện, thị xã, thành phố chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm; hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển về quy mô và chất lượng...
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình khác ngày càng đi vào chiều sâu. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, tôn tạo và đưa vào khai thác. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ…
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh An Giang có 3 đơn vị cấp huyện và 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 ấp đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 33 xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.













