Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết: Hưởng ứng mô hình “Cánh đồng lớn”, ngành Nông nghiệp An Giang cùng với các ngành các cấp phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia, trên địa bàn đã có những mô hình liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ đem lại thành công lớn và các mô hình đang hình thành theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Cánh đồng mẫu lớn”, “Cánh đồng lớn” và hiện nay là “Cánh đồng liên kết”.
Xác định lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, việc xây dựng cánh đồng lớn là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tham gia chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao... vào nội dung các buổi họp Ban Chấp hành, chi tổ hội và sinh hoạt câu lạc bộ nông dân (CLBND) thường kỳ. Hội các cấp cũng chủ động xây dựng các tổ chức đại diện nông dân trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và vùng nguyên liệu đáp ứng theo yêu cầu của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh cùng với ngành nông nghiệp phối hợp với các công ty triển khai kế hoạch thực hiện cánh đồng lớn xây dựng vùng nguyên liệu của công ty ngay đầu vụ. Bên cạnh đó là hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác (THT), hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tổ chức nông dân trong ký kết họp đồng sản xuất và tiêu thụ.
Năm 2021 là năm bước đầu tỉnh An Giang xây dựng được mô hình HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh, từ đó phát triển thành HTXNN kiểu mẫu, có tính lan tỏa, đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của người dân và doanh nghiệp.
Năm 2022, tỉnh An Giang đã sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó là thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, vận động, kết nối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực tài chính thực hiện liên kết sản xuất với các HTX, THT trên địa bàn tỉnh nhằm đầu tư, xây dựng, hình thành các vùng nguyên liệu quy mô sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Kết quả trong năm, diện tích sản xuất lúa, nếp ký kết hợp đồng tiêu thụ đạt 120.000 ha. Đến nay, đã phối hợp vận động hơn 40 HTXNN và nhiều THT liên kết với trên 30 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân, điển hình như: Công ty CP tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, Công ty cổ phần Gentraco, Chi nhánh công ty CP Lương thực Bình Định tại An Giang... Nội dung hợp đồng tuân thủ theo Hợp đồng mẫu của tỉnh, giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 50đ-100đ/kg. Đối với HTXNN, THT doanh nghiệp hỗ trợ chi phí quản lý thực hiện từ 10 - 20đ/kg trên tổng sản lượng thu mua. Ngay từ lúc gieo trồng, nông dân không còn lo sợ vấn đề tiêu thụ cũng như giá cả vì thông qua ký kết hợp đồng trước mỗi vụ đã biết được tỷ lệ lợi nhuận sau thu hoạch, từ đó nông dân chỉ cần tập trung ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng hạt lúa làm ra, giảm được chi phí. Lợi nhuận và thu nhập của nông dân tăng từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó để hợp tác gắn kết lâu dài với nông dân và khắc phục những hạn chế từ những năm trước, các Công ty không ngừng cải tiến trang thiết bị trong việc tiếp nhận thu mua sản phẩm, đảm bảo tính xác thực, tạo thêm sự yên tâm và sự hài lòng cho bà con nông dân.
Từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX, Tập Đoàn Lộc Trời tham gia thành lập 50 HTX, tham gia góp 20% vốn điều lệ, cử nhân sự Giám đốc, Kế toán HTX (do Tập đoàn Lộc Trời trả lương). Việc liên kết cụ thể là cùng với HTX tìm kiếm, xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tham gia HTX; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, ưu tiên cho HTX sử dụng thương hiệu của Lộc Trời để bán sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu riêng cho HTX; Kết nối người mua, giảm các khâu trung gian; Hỗ trợ xây dựng trung tâm giao dịch nông sản của địa phương.
Xác định vai trò của THT là tổ chức đại diện nông dân không thể thiếu trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, vì thế tại các tiểu vùng tham gia thực hiện chuỗi liên kết xây dựng cánh đồng lớn, Hội Nông dân cơ sở đã chủ động thành lập các THT, đến nay toàn tỉnh có 1.087 THT với 15.925 thành viên và có 267 CLBND với 7.158 thành viên; 173 mô hình “Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp” với 2.500 thành viên tham gia; tham gia vận động thành lập 211 HTX nông nghiệp thủy sản.
Cánh đồng lớn và sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị là mô hình tốt nhất hiện nay trong việc giải quyết vấn đề khó khăn, nhất là tiêu thụ lúa gạo hàng hóa. Để thực hiện có hiệu quả mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ là tổ chức đóng vai trò nòng cốt trong đề xuất chủ trương, gắn kết doanh nghiệp với nông dân.
Ông Nhiên cho biết, trước mắt Hội sẽ tập trung vào vận động, tập hợp nông dân tham gia các THT sản xuất cùng với tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất, liên kết sản xuất cho nông dân; hạn chế tối thiểu trường hợp manh mún, xé lẻ trong sản xuất. Bên cạnh đó phối hợp chính quyền vận động, hình thành các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết liền kề phù hợp với quy hoạch, có đường giao thông thủy thuận lợi hoặc đầu tư đường giao thông thủy thuận lợi phục vụ công tác vận chuyển, phơi sấy, tồn trữ; cùng với Nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các vùng cánh đồng liên kết phục vụ sản xuất, vận chuyển sản phẩm…