Theo tin từ Sở TT&TT An Giang, thực hiện công văn số 11503 ngày 30/10/2017 của Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoàn thành việc kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản trước ngày 31/12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Công văn số 11503/VPCP-TTĐT của Văn phòng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, theo đề nghị Văn phòng Chính phủ cần thống nhất việc sử dụng sổ đăng ký công văn đi – đến trên trục liên thông văn bản và các biểu mẫu báo cáo liên quan để tổng hợp, thống kê các chỉ tiêu báo cáo phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp. Phối hợp giám sát, đánh giá an toàn thông tin hệ thống liên thông văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và đơn vị mình, xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ.

Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc để bảo đảm các văn bản điện tử dưới dạng chuẩn pdf, chuẩn file Office Open XML gửi lên trục liên thông được ký số, cấp dấu thời gian sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ. Xây dựng, triển khai trục liên thông văn bản trong nội bộ đơn vị, kết nối với trục liên thông quốc gia phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử các cấp hành chính.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, dôn đốc các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thành phố thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông đảm bảo hình thành hệ thống liên thông 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn.

Trước đó, ngày 8/11/2017, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Công ăn số 4917/VPUBND-KGVX gửi Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện theo Công văn 11594/VPCP-TTĐT ngày 31/10/2017 về việc mô hình mẫu hệ thống quản lý văn bản điện tử 4 cấp chính quyền (dành cho địa phương).

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh mô hình mẫu hệ thống quản lý văn bản điện tử 4 cấp chính quyền dành cho địa phương theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 11594/VPCP-TTĐT ngày 31/10/2017.

Hiện nay, hệ thống quản lý văn bản điện tử 4 cấp chính quyền hiện đang kết nối giữa Văn phòng Chính phủ và hơn 20 cơ quan Bộ ngành, địa phương và đang vận hành có hiệu quả, là công cụ đắc lực giúp Văn phòng Chính phủ làm tốt hơn công tác tham mưu, tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ ngành, địa phương.

Việc xây dựng hệ thống quản lý văn bản điện tử 4 cấp chính quyền là mục tiêu lớn, nằm trong lộ trình tổng thể xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam nhằm giải quyết bài toán ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản nhằm phục vụ sự chỉ đạo điều hành, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan ban hành văn bản đến các cấp thực thi tổ chức thực hiện góp phần đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính quốc gia.

Hệ thống liên thông văn bản điện tử 4 cấp chính quyền sẽ đảm bảo được việc kết nối, liên thông thông suốt từ Văn phòng Chính phủ đến các Bộ, ngành, Tỉnh/Thành phố và các cấp hành chính trong nội bộ của các Bộ ngành, địa phương như các Sở ban ngành, quận huyện, phường xã, thị trấn. Thông qua hệ thống liên thông này các văn bản điện tử, văn bản chỉ đạo điều hành được vận chuyển liên tục, tự động từ Chính phủ, cơ quan hành chính cấp Bộ/ngang Bộ (cấp 1) đến 3 cấp hành chính tại các địa phương tạo thành hệ thống quản lý văn bản, điều hành thống nhất 4 cấp trên phạm vi toàn quốc.