An Giang là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 1,92 triệu dân. Theo ước tính, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 156/156 xã, phường, thị trấn của tỉnh khoảng 1.220 tấn/ngày.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang là đơn vị duy nhất thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của tỉnh.
Công ty có 10 Xí nghiệp Môi trường đô thị cấp huyện (thành phố Long Xuyên không thành lập Xí nghiệp) thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý lượng rác thải phát sinh cho từng địa phương ước khoảng 931,56 tấn/ngày (đạt 76,39%), trong đó khoảng 879,04 tấn được xử lý (bằng hình thức chôn lấp) tại 6 cụm xử lý, bao gồm: (1) khu xử lý Bình Hòa, Châu Thành; (2) khu xử lý Kênh 10, TP. Châu Đốc; (3) khu xử lý rác Phú Thạnh, huyện Phú Tân; (4) bãi rác An Cư, Tịnh Biên; (5) bãi rác An Tức, Tri Tôn; (6) 5 bãi rác đổ xa lộ (Kiến An, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, Mỹ An) trên địa bàn huyện Chợ Mới, lượng rác còn lại khoảng 52,52 tấn/ngày được thu gom và xử lý (bằng công nghệ đốt) tại nhà máy xử lý rác Thoại Sơn.
Hiện lượng rác phát sinh và thu gom lớn, trong khi các khu xử lý rác của tỉnh hiện đã quá tải. Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang là đơn vị duy nhất thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của tỉnh. Do đó, khi áp dụng Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân đóng phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt còn thấp, chi phí thu chưa đạt theo số hộ thực tế tại địa phương đã thống kê, nên gây khó khăn cho ngân sách trong việc chi trả, thanh toán chi phí thu gom và xử lý chất thải rắn. Nhà nước bù lỗ kinh phí trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn tỉnh. Hiện các định mức về suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 của Bộ Xây dựng không còn phù hợp với thực tế, tuy nhiên Trung ương chưa có quy định thay thế để các địa phương áp dụng cho phù hợp. Một số đơn vị doanh nghiệp khi đã trúng thầu, làm chủ đầu tư dự án về các dự án đầu tư xử lý rác thải chưa thực sự quyết tâm trong quá trình thực hiện, dẫn đến các dự án chưa đưa vào hoạt động hoặc phải huỷ thầu. Cùng với đó, các ô chôn lấp rác thải của tỉnh đã quá tải, trong khi công tác kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý rác gặp nhiều khó khăn.
Tại Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức mới đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang có đề xuất, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế đặc thù đối với một số địa phương trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt như tiếp tục thực hiện công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh trong trường hợp chưa xây dựng nhà máy để xử lý chất thải rắn sinh hoạt; ưu tiên, ưu đãi trong việc đầu tư xây dựng dự án xử lý rác thải nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này, góp phần xử lý rác thải, giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với các định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Phạm vi áp dụng của các quy trình cần xem xét đến các yếu tố như: điều kiện tự nhiên, đặc điểm phân bố dân cư, văn hóa - xã hội để quy định phù hợp với các địa phương (một số địa phương đặc thù có nhiều sông ngòi, kênh rạch, nhà nổi, bè cá và các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...); quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế tại ngõ xóm, hẻm, đường phố bằng cơ giới, vận chuyển đến trạm phân loại hoặc cơ sở phân loại, tái chế cần thiết được xem xét, ban hành…