An Giang là tỉnh có đường biên giới dài 98,2km nên tình hình tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra phức tạp. Vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Theo ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phòng ngừa và đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Do đó, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các buổi họp dân.
Đến nay, tỉnh An Giang đã tổ chức 2.989 cuộc tuyên truyền, với trên 163.000 lượt người tham dự, phát hơn 119.000 phiếu tố giác tội phạm, 9.126 tờ rơi... góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về tội phạm mua bán người, đề cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống tội phạm.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu tổ chức 8 hội thi, 4 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trong đó, lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
Chỉ đạo công an các địa phương duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả về đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người, như: “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Tổ phụ nữ không qua lại biên giới, tham gia giữ gìn an ninh trật tự biên giới”…
Từng địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện tố giác các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để bán ra nước ngoài. Phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền về tình hình tội phạm nói chung và phương thức, thủ đoạn hoạt động mua bán người nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em có ý thức phòng ngừa.
Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp các địa phương có liên quan áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa và phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, chỉ đạo phối hợp tốt với lực lượng cảnh sát Campuchia trong điều tra, xử lý tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, nhất là việc giải cứu, tiếp nhận các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán sang Campuchia trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Lê Văn Phước, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, thời gian tới tỉnh An Giang cần tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tỉnh ủy, đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới nói riêng.
Trong đó, chú trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế với Campuchia về phòng, chống mua bán người.
Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các quy định pháp luật, chính sách có liên quan về mua bán người, những phương thức, thủ đoạn của đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người với nhiều nội dung, hình thức nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân.
Tổ chức, phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia tố giác, phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là tại khu vực biên giới, cửa khẩu. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở qua biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đưa người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người; nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tạo việc làm cho người dân trên địa bàn nhằm ổn định cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Các lực lượng chức năng chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm mua bán người tại địa bàn và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống. Huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.