Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, tỉnh An Giang không lấy phương vị (Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc) để đặt tên xã, phường như dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính trước đó.
Tỉnh uỷ An Giang hôm nay ra thông báo kết luận hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương điều chỉnh tên gọi sau sắp xếp một số xã, phường trong dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất với đề xuất của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, xem xét điều chỉnh tên gọi sau sắp xếp một số xã, phường, không lấy phương vị (Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc) để đặt tên.
Tên gọi cụ thể do các huyện, thành phố, thị xã đề xuất đảm bảo không trùng tên gọi xã, phường sau sắp xếp của tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Lắng nghe ý kiến của người dân, tỉnh An Giang không lấy phương vị đặt tên xã, phường sau sắp xếp. Ảnh: Trần Tuyên
Trước đó, nhiều người dân tỉnh An Giang cảm thấy băn khoăn, tiếc nuối trước việc đặt tên xã, phường theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Nhiều người bày tỏ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn, cần thiết. Tuy nhiên, cách đặt tên phường, xã cần được cân nhắc thấu đáo. Nhiều ý kiến khác cho rằng nên lựa chọn tên thể hiện đặc trưng vùng đất, như tên di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng…
An Giang rộng hơn 3.500km2, hiện có hơn 2,7 triệu dân. Tỉnh có 155 ĐVHC cấp xã (110 xã, 27 phường và 18 thị trấn). Dự kiến sau sắp xếp, địa phương này còn 54 ĐVHC cấp xã, giảm hơn 65%.
Tại nghị quyết 60 của hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố.
Trong đó, thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất An Giang và Kiên Giang, diện tích hơn 9.888km2, dân số gần 5 triệu người. Trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay. Sau sắp xếp, tỉnh mới có 102 ĐVHC cấp cơ sở (85 xã, 14 phường và 3 đặc khu).
Chủ tịch tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh vì giá trị hàng trăm năm, tỉnh đang bàn kỹ lại phương án đặt tên xã, phường theo địa danh, danh nhân văn hoá thay vì theo số thứ tự.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội mới đây lại bày tỏ sự đồng tình, khen ngợi TPHCM là “đặt tên rất hay” như các phường Chợ Lớn, An Đông, xã Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, việc đặt tên mới cho các xã, phường sau sắp xếp không chỉ là vấn đề hành chính, mà còn là hành trình gìn giữ ký ức, văn hóa và bản sắc cộng đồng và được người dân đồng thuận.