Thời gian qua, các tỉnh An Giang, Bình Phước rất chú trọng khuyến khích ứng dụng công nghệ vào việc dự báo thị trường nông sản, một hướng phát triển tiềm năng của trí tuệ nhân tạo.
Tỉnh An Giang đã công bố Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025. Chương trình hành động bao gồm giải pháp ứng dụng công nghệ dữ liệu để dự báo thị trường nông sản.
Cụ thể trong 8 nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra, UBND tỉnh An Giang yêu cầu nghiên cứu phát triển hệ thống thu thập xử lý dữ liệu, dự báo thị trường nông sản đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để các bên tham gia chuỗi giá trị (hợp tác xã, doanh nghiệp) và cơ quan quản lý nhà nước có thể tiếp cận nguồn thông tin đáng tin cậy phục vụ quá trình ra quyết định, nâng cấp chuỗi giá trị nông sản chủ lực phát triển hiện đại và bền vững.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản” trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá trong việc thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản của các tổ chức, hợp tác xã, doanh nghiệp; góp phần tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho nông sản của tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sẽ ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin, số hoá và hoàn thành thu thập, thông tin, dữ liệu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp; phục vụ xây dựng kho dữ liệu nhằm phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản chủ lực địa phương của tỉnh và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.
Bình Phước cũng sẽ tham gia hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về Trung tâm dữ liệu tập trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống; thường xuyên cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời.
Định hướng đến năm 2030, Bình Phước sẽ ứng dụng hiệu quả các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật...) trong thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã có thể tìm kiếm, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản (trừ dữ liệu mật) trên môi trường mạng Internet hoặc cổng cung cấp dữ liệu mở của ngành, tỉnh.
Một mục tiêu nữa là phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; thu hút được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường nông sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông sản.
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: ứng dụng và vận hành Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp chuyên sâu, phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh.
Tỉnh cũng sẽ hợp tác, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; ứng dụng quy trình vận hành hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản, thống nhất ở các cấp, ngành; theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, dự báo tình hình thị trưòng nông sản.