Trước việc tỷ lệ phổ cập ĐTDĐ ngày càng cao trong cộng đồng dân cư, Chính phủ Ấn Độ nhận thấy các kênh giao tiếp và liên lạc qua SMS, email ngày càng trở nên quan trọng đối với đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển này, tỷ lệ SMS và email bị lợi dụng trong các vụ tấn công người dùng cũng ngày một tăng cao và đó là động cơ để chính phủ phải ra tay giải quyết. Với thế hệ thẻ SIM mới, ngoài khả năng mã hóa cao nhằm ngăn chặn sự can thiệp của bên thứ 3 vào nội dung, mỗi thẻ SIM sẽ được tích hợp sẵn một dạng “chữ ký số” và trở thành công cụ xác thực quan trọng vì nó sẽ gắn liền với tên tuổi của người dùng hay của doanh nghiệp sử dụng thẻ SIM đó.
Tuy nhiên, có một yếu tố đang khiến nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân người dùng chưa muốn sử dụng loại thẻ SIM mới là chi phí sẽ bị “đội lên”. Murali Venkatesan, một chuyên gia của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp SIFY cho biết, với mỗi tin nhắn thông thường (chứa khoảng 160 ký tự) sẽ chỉ có dung lượng khoảng 40-50 KB nhưng khi áp dụng hình thức mã hóa của thẻ SIM mới, tin nhắn đó sẽ có dung lượng là 256 KB. “Dung lượng lớn đồng nghĩa với cước phí cũng sẽ cao hơn nhưng vì lợi ích và sự an toàn trong giao dịch, liên lạc…, tôi tin là các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ vẫn chào đón loại thẻ SIM mới cũng như giúp cho cơ quan quản lý viễn thông quản lý thuê bao tốt hơn”, ông Murali Venkatesan nói.
Theo ZDNet
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 131 ra ngày 1/11/2010