Thời gian qua, cùng với việc rà soát, đánh giá hiện trạng các cơ chế chính sách về thuế hiện hành đối với lĩnh vực CNTT, để có căn cứ đưa ra các đề xuất thay đổi chính sách thuế nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, Bộ TT&TT đã phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nghiên cứu kinh nghiệm về chính sách thuế của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines. Đây là những nước có điều kiện sống gần với Việt Nam và có điểm chung là đều xác định CNTT (phần mềm, vi mạch, dịch vụ phần mềm…) là động lực để phát triển kinh tế xã hội, đồng thời có chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy ngành này phát triển.

Trung Quốc

Theo nghiên cứu của Bộ TT&TT và VINASA, Trung Quốc thúc đẩy công nghiệp phần mềm và vi mạch điện tử phát triển từ năm 1998. So với Việt Nam, chính sách ưu đãi của Trung Quốc có một số nét khác biệt.

Cụ thể, về ưu đãi thuế  thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Trung Quốc quy định chính sách ưu đãi thuế có phạm vi áp dụng rộng hơn Việt Nam, ưu đãi đi kèm với các điều kiện như: phải sở hữu phần mềm tự phát triển, trình độ của nhân sự, % chi phí cho R&D, doanh thu bán phần mềm, doanh thu từ xuất khẩu, thứ hạng trong tổng sắp các doanh nghiệp hàng đầu…

Chính sách ưu đãi đi kèm điều kiện của Trung Quốc nhằm tăng cường trình độ phát triển của doanh nghiệp, tăng cường hàm lượng sáng tạo trong nghiên cứu, phát triển, tăng tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư dài hạn.

Hiện tại, Trung Quốc tiếp tục duy trì mức ưu đãi như những năm 2000, tuy nhiên lại quy định thêm các điều kiện, tiêu chí xét chọn đối tượng thụ hưởng. Như vậy so với Việt Nam, chính sách ưu đãi thuế TNDN của Trung Quốc tập trung hơn về lĩnh vực hoạt động và đối tượng thụ hưởng.

Về ưu đãi thuế giá trị gia tăng (GTGT), với chính sách “nộp ngay, hoàn ngay”, Trung Quốc cho phép doanh nghiệp phát triển phần mềm, bán sản phẩm phần mềm độc quyền hoặc nhập khẩu phần mềm để nội địa hóa được khấu trừ thuế đầu vào, khi số thuế GTGT phải nộp vượt quá 3%, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả ngay.

Ngoài ra, nhằm tăng cường việc đổi mới, chuyển giao công nghệ, Trung Quốc còn kèm theo điều kiện buộc doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước khi muốn tham gia thị trường của mình.

Ấn Độ

Kết quả nghiên cứu của Bộ TT&TT cho thấy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT ẤnĐộ hưởng các ưu đãi theo cơ chế của các khu, bao gồm: kinh tế đặc biệt, công viên phần mềm (CVPM), khu xuất khẩu phần cứng điện tử. Doanh nghiệp phần mềm có thể linh hoạt đăng ký hình thức ưu đãi thuộc khu CVPM, không nhất thiết phải thành lập trong khu.

Sau năm 2011, chỉ hưởng ưu đãi theo cơ chế của khu kinh tế đặc biệt, cụ thể: 5 năm đầu, khấu trừ 100% doanh  thu xuất khẩu khi tính thuế TNDN; 5 năm tiếp theo, khấu trừ 50% doanh thu xuất khẩu khi tính thuế TNDN; 5 năm tiếp, khấu trừ 50% doanh thu xuất khẩu khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng các điều kiện về tái đầu tư.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần cứng điện tử còn được hưởng các ưu đãi theo cơ chế khu xuất khẩu phần cứng điện tử như miễn thuế nhập khẩu các nguyên liệu thô, các loại hàng hóa phục vụ sản xuất…

Philippines

Báo cáo của Bộ TT&TT cho hay, gia công tiến trình kinh doanh (BPO) là một trong những hoạt động trong danh sách Kế hoạch ưu tiên đầu tư (IPP) – xác định lĩnh vực/dự án được nhận ưu đãi tài chính của Chính phủ. BPO là lĩnh vực thuộc ngành sáng tạo/dịch vụ trên nền tri thức trong IPP.

Cụ thể, có thể điểm qua một số ưu đãi tài chính/ phi tài chính giành cho BPO như: miến thuế thu nhập trong thời gian 6 năm đối với dự án tiên phong và 4 năm đối với dự án thường tính từ thời điểm bắt đầu hoạt động thương mại; thuế suất VAT 0% cho dịch vụ xuất khẩu; miễn toàn bộ thuế cho việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, công cụ trong một số điều kiện, trong 5 năm; miễn thuế địa phương từ 4 - 6 năm; đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BPO còn được hưởng các ưu đãi: trong 5 năm đầu từ khi đăng ký, doanh nghiệp được khấu trừ thêm từ thu nhập chịu thuế 50% chi phí lương của lao động trực tiếp; điều kiện giảm thuế xét trên gia tăng lao động trực tiếp trong năm so với năm trước.

Trường hợp đầu tư trong các Đặc khu thì ngoài ưu đãi trên còn được thêm nhiều ưu đãi khác như thuế suất đặc biệt, ưu đãi sau thời hạn miễn thuế ở trên…

Trên cơ sở nghiên cứu các chính sách ưu đãi thuế của Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, Bộ TT&TT đánh giá: nhìn chung các nước này đều đã điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế đối với ngành công nghệ cao như là động lực cho phát triển tương lai, tập trung vào thúc đẩy sáng tạo và nghiên cứu phát triển, đầu tư trong các viện nghiên cứu quốc gia, ưu đãi cao hơn đối với các doanh nghiệp hoạt động dài hạn và các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại hơn.

Đáng chú ý, xét về đối tượng thụ hưởng, kết quả nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines đều dành chính sách ưu đãi phát triển CNTT trong đó có chính sách thuế, tập trung vào miễn/giảm thuế TNDN, hoàn thuế GTGT, miễn thuế nhập khẩu, giảm thủ tục hành chính… Mỗi nước lựa chọn mức ưu đãi, thời gian và điều kiện hưởng ưu đãi riêng theo tiêu chí phát triển của quốc gia mình.

Về lĩnh vực ưu đãi, nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ, trong khi Trung Quốc tập trung phát triển phần mềm, dịch vụ CNTT như ITO, BPO, ITO và sản xuất, thiết kế vi mạch điện tử, Ấn Độ lại chú trọng dịch vụ CNTT xuất khẩu và Philippines tập trung ưu đãi cho BPO. Còn về thời gian ưu đãi, 3 quốc gia kể trên có thời gian ưu đãi khác nhau từ trên 5 năm cho tới toàn thời gian thực hiện dự án theo các quy định, điều kiện áp dụng cụ thể.

Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9/2015 được ban hành đầu tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất với nội dung báo cáo của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và nhất trí cần có chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích phát triển mạnh mẽ CNTT và dịch vụ CNTT, đặc biệt là liên quan đến phần mềm, dịch vụ phần mềm.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 10/2015. Đồng thời, Chính phủ cũng giao các Bộ Tài chính, TT&TT, KH&CN, LĐ-TB&XH khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành trong năm 2015.