Theo dự kiến trước đó, cuộc đấu giá tần số dành cho 5G sẽ được tổ chức vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên việc đấu giá phổ tần bị trì hoãn. Việc trao giấy phép tần số cho các dịch vụ 5G ban đầu được dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2019 trước khi nó bị đẩy lùi vào tháng 4 năm nay.
Ấn Độ trì hoãn đấu giá phổ tần 5G vì vấn đề tài chính. |
Một lý do chính cho việc hoãn lại mới nhất này liên quan đến vấn đề tài chính của các nhà cung cấp dịch vụ, họ đã phải vật lộn để trả phí cấp phép và các hình phạt khác mà chính phủ cho rằng họ đang nợ. Hai nhà mạng lớn của Ấn Độ là Bharti Airtel và Vodafone Idea đã có những khoản nợ đáng kể và sẽ phải vật lộn để tham gia đấu giá trong hoàn cảnh hiện tại.
Chính phủ đang yêu cầu các nhà mạng này phải trả hàng tỷ USD về các khoản thu phi viễn thông phải chịu phí cấp phép theo quy định về tổng doanh thu hàng năm (AGR). Tòa án hàng đầu của Ấn Độ gần đây đứng về phía chính phủ trong vụ tranh chấp này, có nghĩa là các nhà khai thác cùng nhau nợ 920 tỷ rupee Ấn Độ (12,5 tỷ USD) về phí, hình phạt và tiền lãi suất.
Chính quyền và các nhà khai thác cũng đã xung đột về các tính toán về phí AGR. Để giải quyết sự khác biệt lớn giữa số liệu của chính phủ và các nhà mạng cần có thời gian, đó cũng là lý do cho sự chậm trễ đấu giá mới nhất này.
Theo dự kiến, cuộc đấu giá sắp tới sẽ liên quan đến việc bán 8.300 MHz phổ tần 4G và 5G, bao gồm phổ 4G ở các băng tần 700 MHz, 800 MHz, 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz, 2300 MHz và 2500 MHz, cùng với phổ 5G trong băng tần 3.300-3.600 MHz. Chính phủ có thể thu được tới 5,23 nghìn tỷ rupee (70,9 tỷ USD) từ cuộc đấu giá theo giá khởi điểm được đưa ra.
Các công ty viễn thông đã quan tâm đến những con số này ngay cả trước phán quyết liên quan đến khoản phí AGR vào tháng 10/2019. Sau khi trả các khoản phí AGR của họ, rõ ràng họ sẽ không thể có khả năng để trả tiền cho phổ tần với mức giá sàn này. Bharti Airtel trước đây đã đề nghị họ có thể tham gia đấu giá trừ khi giá sàn được cắt giảm. Vodafone Idea đã phải vật lộn để trả hết các khoản nợ vủa họ.
Hiện nay, RJio là nhà cung cấp dịch vụ có lợi nhuận duy nhất trong nước và được cho là đang hướng đến công nghệ 5G. Có thể đây là công ty viễn thông duy nhất có cơ sở tài chính cần thiết để có được phổ tần dành cho 5G.
Bộ Viễn thông Ấn Độ (DoT) không thể trì hoãn việc bán phổ tần đến cuối tháng 9 năm nay vì một số giấy phép phổ tần 4G do Bharti Airtel và Vodafone Idea nắm giữ sẽ hết hạn ở một số khu vực dịch vụ vào năm 2021.
Việc trì hoãn đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm 2020 có thể giúp DoT tạo ra kết quả tốt hơn từ phiên đấu giá. Nhưng việc trì hoãn đấu giá phổ tần rõ ràng sẽ cản trở việc triển khai các dịch vụ 5G ở Ấn Độ.
Nhà cung cấp thiết bị viễn thông Thụy Điển, Ericsson đã nhận định rằng 5G sẽ không được triển khai ở Ấn Độ cho đến năm 2022, cho dù trước đó họ dự báo 5G sẽ có mặt ở Ấn Độ trong năm nay.
Phan Văn Hòa (theo Light Reading)