Sau khi thiết lập một trong những mạng lưới 5G lớn nhất thế giới trong thời gian ngắn nhất, các nhà mạng Ấn Độ hiện gặp phải thách thức trong việc đảm bảo chất lượng. Khi số lượng thuê bao và sử dụng 5G tăng, tốc độ lại giảm.

Thuê bao tăng, tốc độ giảm

Theo báo cáo của công ty phân tích mạng di động OpenSignal, tốc độ tải 5G trung bình đã giảm từ 304 Mbps/giây vào quý I/2023 xuống 243 Mbps/giây vào quý II/2024. Báo cáo nêu nguyên nhân chủ yếu do nghẽn mạng, xuất phát từ tỷ lệ sử dụng 5G nhanh hơn và tiêu thụ dữ liệu trên mỗi thuê bao 5G tăng. Ngoài ra, Airtel là nhà mạng cung cấp trải nghiệm 5G tốt nhất Ấn Độ, còn Jio có trải nghiệm ổn định nhất.

Mặt khác, Ấn Độ bị rớt xuống hạng 26 trong bảng xếp hạng tốc độ di động trung bình toàn cầu của hãng đo kiểm tốc độ Internet Ookla vào tháng 9/2024, từ vị trí thứ 12 hồi tháng 4/2024.

Dù vậy, mức độ khả dụng của mạng 5G tại Ấn Độ vẫn khá cao, 52% thời gian của người dùng được kết nối với mạng 5G, theo OpenSignal. Hai nhà mạng hàng đầu của nước này – Reliance Jio và Bharti Airtel – thương mại hóa 5G vào tháng 10/2022 và đã triển khai được tổng cộng 457.179 trạm gốc tính đến tháng 9/2024.

1ba0t6jt.png

OpenSignal chỉ ra, nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ 5G giảm là thiếu kết nối cáp quang (fiber backhaul) trong nước, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa, tạo ra các “nút thắt cổ chai”. Trong khi đó, kết nối di động (mobile backhaul) phổ biến hơn ở nông thôn lại thiếu khả năng hỗ trợ mạng 5G tốc độ cao hiệu quả. Bên cạnh đó, di động là phương tiện truy cập Internet chủ yếu của người dân, càng gây áp lực lên mạng lưới.

Lượng sử dụng 5G tăng thúc đẩy các nhà mạng tăng cường phạm vi phủ sóng và dung lượng. Gần đây, Airtel đã ký thương vụ tỷ đô với Ericsson để củng cố mạng 5G. Tính đến cuối tháng 6, Airtel có 90 triệu thuê bao 5G, còn Jio tuyên bố chạm mốc 148 triệu thuê bao 5G vào cuối tháng 9. Jio cũng tiết lộ thuê bao 5G chiếm khoảng 34% lưu lượng dữ liệu không dây trên mạng của mình.

Sự góp mặt của người chơi thứ ba trên thị trường 5G sẽ khiến cuộc đua ngày càng hấp dẫn hơn và dẫn đến tăng đầu tư để cải thiện hiệu suất mạng. Vodafone Idea – nhà mạng lớn thứ ba Ấn Độ - có kế hoạch ra mắt dịch vụ 5G vào tháng 3/2025. Hãng viễn thông vừa ký thỏa thuận 3,6 tỷ USD với Nokia, Ericsson và Samsung để mở rộng phạm vi phủ sóng 4G và triển khai mạng 5G.

Dẫn đầu tăng trưởng 5G toàn cầu

Theo báo cáo Thực trạng kết nối Internet di động 2024 của GSMA, năm 2023, có thêm 750 triệu người dùng hòa mạng 5G trên thế giới và Ấn Độ dẫn đầu tăng trưởng, chiếm hơn một nửa trong số 750 triệu. Tính đến cuối năm ngoái, tức là sau 4 năm mạng 5G đầu tiên được thương mại hóa, toàn cầu ghi nhận 1,5 tỷ kết nối 5G, đánh dấu công nghệ di động phát triển nhanh nhất. 3G và 4G lần lượt mất 10 năm và hơn 5 năm để đạt cột mốc này. 5G đang trên đà trở thành công nghệ di động thống trị vào cuối thập  kỷ.

Dù vậy, vẫn còn 3,45 tỷ người, tương đương 43% dân số thế giới, chưa được kết nối Internet di động. Có bốn nguyên nhân chính: chi phí dữ liệu, thiết bị, truy cập Internet vẫn là rào cản; “mù” công nghệ”; lo ngại an toàn và bảo mật; nội dung bằng tiếng địa phương còn hạn chế.

Tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ sử dụng 5G ước đạt 55% vào năm 2030, thấp hơn đáng kể so với 120% tại các nước thu nhập cao. Nó nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục đầu tư và các biện pháp chính sách để bảo đảm 5G tiếp cận cộng đồng yếu thế.

Theo GSMA, nếu xóa bỏ được khoảng cách này, GDP toàn cầu giai đoạn 2023 – 2030 có thể tăng thêm 3,5 nghìn tỷ USD, là chất xúc tác để phát triển kinh tế, đổi mới và hòa nhập xã hội.

(Theo Lightreading, Pune)