Báo The Hindu và Arab News đưa tin, đường hầm Sonamarg là một phần của dự án cơ sở hạ tầng trị giá 932 triệu USD giúp kết nối khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý với Ladakh, một vùng sa mạc lạnh giá trên cao nằm giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc, tâm điểm của các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong nhiều thập niên.

Đường hầm dài 6,5km, còn được gọi là Z-Morh, trải dài bên dưới một con đèo hiểm trở bị tuyết bao phủ từ 4-6 tháng một năm. Đường hầm này sau khi khánh thành sẽ giúp tăng khả năng di chuyển trong vùng và cho phép triển khai nhanh các nguồn cung cấp quân sự. 

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Modi nói: "Sau khi khánh thành đường hầm, khả năng kết nối sẽ được cải thiện lớn và du lịch sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ tại Jammu và Kashmir". 

Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ này cũng bao gồm một loạt cầu, đường trên núi cao và đường hầm thứ hai dài khoảng 14km sẽ tránh đèo Zojila và nối Sonamarg với Ladakh. Đường hầm thứ 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2026. 

Đường hầm mới của Ấn Độ được mở trong bối cảnh nước này và Trung Quốc đang có tranh chấp biên giới. Căng thẳng giữa hai bên lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 tiếp sau các cuộc đụng độ chết người trên biên giới Himalaya thực tế, vốn được gọi là Đường kiểm soát thực tế. Xung đột khiến hai nước phải triển khai hàng nghìn quân đến khu vực này. Tháng 10/2024, New Delhi và Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận giải quyết tình trạng bế tắc quân sự sau nhiều cuộc họp cấp cao nhằm giải quyết xung đột.

Giáo sư Noor Ahmad Baba của Đại học Kashmir nói với Arab News: "Đường hầm cung cấp khả năng kết nối tới Ladakh trong mọi điều kiện thời tiết... đây là khu vực chiến lược vì căng thẳng với Trung Quốc liên tục xảy ra". 

Ấn Độ và Trung Quốc không thể thống nhất về đường biên giới dài 3.500km kể từ khi xảy ra chiến tranh vào năm 1962.

Đọ sức mạnh quân đội Trung Quốc, Ấn Độ

Giữa Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra chiến tranh năm 1962 vì tranh chấp chính vùng đất trên dãy Himalaya, nơi ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong vụ đụng độ bạo lực giữa hai bên đầu tuần này.