Theo báo cáo của BusinessToday, chính phủ Ấn đang quan tâm đến việc đầu tư để xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy chế tạo chất bán dẫn trong nước, hoặc thậm chí mua lại các nhà máy sản xuất bán dẫn bên ngoài Ấn Độ. Đáng chú ý, các kế hoạch này là một phần chính trong Chính sách quốc gia về Điện tử 2019 của chính phủ, nhằm đưa Ấn Độ trở thành trung tâm toàn cầu về thiết kế và sản xuất hệ thống điện tử (ESDM).
Như chúng ta đều biết, công nghệ bán dẫn là một phần không thể thiếu của thế giới kỹ thuật số trong thời đại ngày nay. Bán dẫn là lĩnh vực then chốt, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng (nhiều hệ thống vũ khí, thông tin liên lạc và hàng không vũ trụ đều cần sử dụng linh kiện bán dẫn). Trong giai đoạn phát triển bùng nổ của mình, các cường quốc chế tạo tại châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đều đầu tư rất mạnh cho công nghiệp bán dẫn.
Đáng chú ý, chất bán dẫn còn là một phần quan trọng trong tổng giá trị của Định mức nguyên vật liệu (BOM: Bill of Material). Hơn nữa, sản xuất chất bán dẫn là một lĩnh vực phức tạp, cần có trình độ chuyên môn cao và cần một nguồn đầu tư lớn. Do đó, Chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch khuyến khích và thu hút đầu tư để xây dựng các nhà máy sản xuất tại Ấn Độ.
Động thái này diễn ra khi quốc gia này đang nỗ lực tăng thị phần sản xuất điện thoại thông minh, điện tử ô tô, phần cứng CNTT, công nghiệp và y tế và thậm chí cả thiết bị internet vạn vật (IoT: Internet of Things) trên toàn cầu trong tương lai gần.
Quốc gia này có kế hoạch mở rộng lĩnh vực sản xuất điện tử lên 400 tỷ USD vào năm 2025. Hiện chính phủ Ấn Độ đang kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bán nhằm giúp xây dựng kế hoạch để mở rộng các cơ sở bán dẫn hiện có hoặc mua lại các nhà máy bán dẫn bên ngoài Ấn Độ.
Phan Văn Hòa (theo Gizmochina)
Ông Biden sẽ xóa tan 'giấc mộng bán dẫn' của Trung Quốc?
Đối mặt với chính quyền tổng thống Mỹ mới, Trung Quốc khó có thể hiện thực hóa giấc mơ làm chủ ngành vật liệu bán dẫn.