{keywords}
Biểu tình phản đối công nghệ Trung Quốc hôm 1/7 tại Ấn Độ. Ảnh: AP

Hôm 2/9, Ấn Độ tiếp tục cấm 118 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có các tựa game lớn của Tencent và NetEase và dịch vụ của Baidu, Alibaba. Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin nước này cho rằng các ứng dụng tham gia vào hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và tính toàn vẹn của đất nước. Nhà chức trách cũng cáo buộc các dịch vụ gửi dữ liệu công dân sang máy chủ đặt ngoài Ấn Độ.

Trước đó, 59 ứng dụng Trung Quốc đã bị cấm tại đây. Căng thẳng Trung - Ấn leo thang sau khi 20 binh sỹ Ấn Độ tử vong trong vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội hai nước tại biên giới vào tháng 6.

Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị Trung tâm đổi mới tương lai (CIF) của Canada, nhận xét doanh nghiệp Trung Quốc đang nhận bài học đau đớn. Hàng loạt công ty Trung Quốc gánh hậu quả trên toàn Ấn Độ vì chính sách địa chính trị của Trung Quốc.

Dù chính phủ Ấn Độ tập trung vào ứng dụng, Bloomberg đưa tin tháng trước, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và ZTE cũng sẽ bị loại khỏi chương trình thử nghiệm 5G của nước này. Nếu điều đó xảy ra, Ấn Độ chung đường với Australia và Anh trong việc loại trừ Huawei khỏi mạng di động thế hệ mới.

Việc cấm cửa công nghệ Trung Quốc đem đến cơ hội cho các hãng công nghệ Ấn Độ và Mỹ. Rodger Baker, Phó Chủ tịch phân tích chiến lược của Stratfor, nhận định Ấn Độ có lập trường cứng rắn hơn so với Mỹ khi cấm ứng dụng Trung Quốc. Một phần của chiến lược là giúp khuấy động công nghệ trong nước, khuyến khích phát triển lĩnh vực công nghệ và định vị bản thân như một thị trường để các nước khác rót vốn đầu tư.

Đôi bên có lợi

Ấn Độ là địa bàn hấp dẫn của các hãng công nghệ Trung Quốc muốn mở rộng thị trường. Theo tổ chức Gateway House, ước tính các nhà đầu tư và công ty Trung Quốc đã đổ 4 tỷ USD vào startup Ấn Độ. Khoảng 18 trong 30 kỳ lân công nghệ Ấn Độ - startup trị giá hơn 1 tỷ USD – được Trung Quốc góp vốn.

Các ứng dụng Trung Quốc như TikTok thách thức nhiều ông lớn Mỹ như Facebook, Google, còn smartphone Trung Quốc như Xiaomi lại củng cố vị trí vững vàng tại Ấn Độ. Nhìn chung, hệ sinh thái công nghệ Ấn Độ đều phụ thuộc vào nguồn tiền từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chuyên gia Prakash bày tỏ quan điểm: “Các hãng công nghệ Trung Quốc biết rằng những ngày thoải mái mở rộng trên toàn cầu đã qua”.

Công nghệ Trung Quốc bị “vùi dập” là cơ hội cho công nghệ Mỹ tại đất nước tỷ dân. Nơi đây được xem là động lực tăng trưởng lớn trong tương lai. Lệnh cấm ứng dụng Trung Quốc để lại khoảng trống lớn cần được lấp đầy, theo Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu Counterpoint Research. Chẳng hạn, TikTok bị cấm, Instagram Reels là người hưởng lợi.

Làn sóng “bài Trung” tại Ấn Độ vẫn tiếp diễn trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép lên các tên tuổi lớn nhất Trung Quốc. Tháng 8, Tổng thống Donald Trump ký hai sắc lệnh hành pháp cấm giao dịch với Tencent và ByteDance. Washington đầu năm nay cũng thi hành lệnh cấm Huawei tiếp cận nguồn cung bán dẫn quan trọng.

Theo ông Prakash, Thủ tướng Ấn Độ Modi muốn đất nước không phụ thuộc vào nước ngoài, dù đó là quốc phòng hay thương mại điện tử. Dù Ấn Độ nổi tiếng với ngành công nghiệp phần mềm nội, họ lại đi sau về phần cứng như chip. Cùng lúc này, doanh nghiệp Mỹ lại tìm kiếm cơ sở mới để sản xuất phần cứng và nền tảng người dùng mới để bán sản phẩm. Trong trường hợp này, cả hai nước đều có lợi.

Cơ hội của Silicon Valley

Các ông lớn công nghệ Mỹ đều muốn mở rộng sự hiện diện tại Ấn Độ. Apple chỉ nắm khoảng 1% thị phần smartphone tại đây và bắt đầu bán iPhone XR lắp ráp ở Ấn Độ từ năm 2019. Công ty “háo hức” muốn mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên trong nước. Thị trường smartphone Ấn Độ đang bị Xiaomi và Samsung thống trị với thị phần gộp hơn 50%, theo Counterpoint Research.

Ông Shah cho rằng Apple không chỉ xem Ấn Độ là thị trường tiêu thụ smartphone quan trọng mà còn là cơ sở sản xuất tiềm năng khi muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Ấn Độ có hơn nửa tỷ người dùng smartphone và là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới. Người dân có xu hướng muốn mua điện thoại tốt hơn trong các năm tới, mở ra cơ hội cho Apple tại phân khúc cao cấp, cạnh tranh với OnePlus, thương hiệu của BBK Electronics Trung Quốc.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng nhận được quan tâm lớn từ Facebook, Google. Hai hãng này gần đây đầu tư tổng cộng hơn 10 tỷ USD vào Jio Platforms. Jio Platforms sở hữu nhiều thương hiệu như Reliance Jio, mạng di động số 1 Ấn Độ về doanh thu và số thuê bao.

Đầu tư là một cách để hai công ty ghi dấu ấn lớn hơn trên thị trường khi mà cả hai đều không thể xâm nhập Trung Quốc như Apple. Hợp tác với một hãng viễn thông lớn nhất, quyền lực nhất và có tầm ảnh hưởng nhất giúp họ củng cố quy mô và địa vị tại Ấn Độ.

Bản hòa âm hoàn hảo?

Theo ông Prakash, dù căng thẳng Trung - Ấn hiện tại có thể làm nhụt tham vọng của công nghệ Trung Quốc tại Ấn Độ nhưng nó không thể chặn đứng kế hoạch bành trướng thế giới của họ. Tất nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trở nên chọn lọc hơn. Họ có thể bắt đầu phát triển sản phẩm, dịch vụ độc quyền cho thị trường nhất định thay vì toàn cầu. Điều đó sẽ làm tăng cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc khi doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng dấu ấn lớn hơn tại một vài khu vực.

Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh chương trình công nghệ nội địa dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi. Dù Ấn Độ và Mỹ tỏ ra hòa hợp trong việc gây áp lực lên công nghệ Trung Quốc, mối quan hệ này có thể bị gián đoạn. “Trong ngắn hạn, thông qua công nghệ, New Delhi và Washington có thể bồi dưỡng một trong các quan hệ quan trọng nhất thế kỷ 21. Song về lâu dài, cũng vì công nghệ mà Mỹ và Ấn Độ có thể chứng kiến bản thân ở cùng một thế tương tự Mỹ và Trung Quốc ngày nay”, ông Prakash chia sẻ.

Du Lam (Theo CNBC)

Ấn Độ cấm PUBG, Alipay và Baidu cùng hơn 100 ứng dụng Trung Quốc

Ấn Độ cấm PUBG, Alipay và Baidu cùng hơn 100 ứng dụng Trung Quốc

Ấn Độ tiếp tục cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có tựa game ăn khách PUBG, công cụ tìm kiếm Baidu và ứng dụng thanh toán Alipay vì lý do an ninh mạng.