Cơm rượu nếp là thực phẩm không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch). Do được ủ lên men nên chắc chắn cơm rượu chứa cồn. Thông thường, cơm rượu được ủ trong 3-4 ngày, rượu ủ 7-10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dù chưa có nghiên cứu nào chính thức về nồng độ cồn trong cơm rượu, hoặc có bao nhiêu gram cồn tuyệt đối trong một bát cơm rượu, nhưng thông thường, nồng độ cồn trong thực phẩm này ở mức thấp hơn các loại rượu khác.
"Tuy nhiên, càng ăn nhiều rượu nếp hay bất kỳ thực phẩm chứa cồn nào thì nồng độ cồn trong cơ thể càng cao", bác sĩ Cấp cho biết.
Người ăn cơm rượu dù ít hay nhiều vẫn cần thời gian để cồn đào thải hết khỏi cơ thể. Nếu ngay sau ăn, phải thổi nồng độ cồn, khả năng máy đo báo “dương tính” là rất cao. Với một người có thể trạng bình thường, khoảng 3-4 tiếng sau ăn một bát cơm rượu nhỏ, nồng độ cồn khó có thể đào thải hết.
Tốc độ đào thải cồn khỏi cơ thể phụ thuộc nhiều yếu tố ở người sử dụng thực phẩm chứa cồn, phụ thuộc lớn vào việc ăn, uống nhiều hay ít. Giới tính, thể trạng, bệnh lý… được xác định là liên quan đến tốc độ chuyển hóa.
Việc ăn, uống thực phẩm chứa cồn lúc no hay đói ảnh hưởng đến khả năng, tốc độ hấp thu cồn nhanh hay chậm (nếu đói thì cồn hấp thu ngay vào dạ dày, nếu no, cồn hấp thu khi xuống ruột non). Thông thường, sau 30 phút ăn, uống thực phẩm chứa cồn, cồn đều hấp thu vào cơ thể.