Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tranh cãi về việc có được ghi hình các phiên tòa công khai. Cuộc tranh luận này rất có ý nghĩa trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

Lâu nay, những vụ án mà dư luận chú ý đặc biệt thường được xét xử lưu động. Chẳng hạn, có thông tin vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước sẽ được xét xử lưu động[1]. Còn ngay gần đây là vụ án giết 4 người ở Yên Bái.

Mặc dù không phủ nhận hiệu quả giáo dục, song chúng ta đang ngày càng nhận thức được tính phi nhân bản của dạng “pháp đình đấu tố này”. Thiết nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể bãi bỏ chế độ xét xử lưu động mà vẫn đạt được mục tiêu giáo dục pháp luật bằng phương thức tường thuật trực tiếp các vụ án điểm qua truyền hình và internet.

Nhiều tranh cãi

Trên thế giới, cuộc tranh luận xung quanh ghi hình phiên tòa đã diễn ra từ khá lâu và vẫn còn chưa ngã ngũ. Tại sao lại như vậy?

Trước hết, cần khẳng định, ghi hình phiên tòa không phải là yếu tố bắt buộc của một phiên xét xử công bằng. Quyền xét xử công bằng (right to a fair trial) theo luật quốc tế bao gồm một phiên tòa công khai (public hearing), nhưng một phiên tòa công khai không đòi hỏi phiên xử phải được chụp ảnh, quay phim và đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Phiên tòa công khai chủ yếu đáp ứng quyền của người dân và báo chí được tới tòa án, chứng kiến phiên xét xử.

Cả hai bên ủng hộ và phản đối cho phép ghi hình đều có những lý lẽ rất mạnh mẽ.

Những người ủng hộ cho rằng biện pháp này không những giúp người dân giám sát công quyền, mà còn nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Người dân có quyền và có nhu cầu chứng kiến công lý được thực thi ra sao. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn chưa có cơ hội theo dõi một phiên tòa thực sự, mặc dù theo pháp luật chốn công đường mở cửa đón chào tất cả. Do đó, nhiều người sẽ muốn xem các phiên tòa tại nhà qua truyền hình hay internet.

Thật vậy, những người thực thi pháp luật phải hành xử có trách nhiệm và đúng pháp luật trước sự giám sát của công dân thông qua camera. Các phiên tòa truyền hình cũng là sự chuyển tải những giá trị về công lý một cách tự nhiên.

Những người ủng hộ còn viện dẫn các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc phát hình này không ảnh hưởng tới việc xét xử nhiều hơn sự tham gia của công chúng trực tiếp tại tòa.

{keywords}

Cảnh sát bảo vệ hiện trường vụ thảm sát tại Bình Phước. Ảnh: Phước Hiệp/ Thanh Niên

Mặt khác, những ý kiến phản đối cũng có sức nặng không kém.

Thứ nhất, nhiều người cho rằng tòa án không phải là nơi trình diễn phục vụ cho dân chúng giải trí. Ai quan tâm thì hãy trực tiếp đến tòa. Tòa án phải đảm bảo tính uy nghiêm của nó.

Thứ hai, ghi hình phiên tòa gây phiền nhiễu, thậm chí gây nguy hiểm cho các bên tiến hành tố tụng (thẩm phán, nhân viên tòa án, công tố viên…) và những người tham gia tố tụng (luật sư, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng…) và nói chung làm mất thời gian của tòa án.

Thứ ba, phiên tòa nếu được truyền hình sẽ có thể bị lợi dụng vì mục đích cá nhân thay vì công lý. Luật sư có thể chú trọng vào tiếp thị bản thân hơn là bảo vệ thân chủ. Thẩm phán cũng có thể lợi dụng công việc để truyền một thông điệp mang tính chính trị hay tôn giáo nào đó.

Xu thế trên thế giới

Xu thế chung trên thế giới cho phép ghi hình phiên tòa ở mức độ nhất định, tức mang tính dung hòa hai phe nêu trên. Một số nước hiện nay như vùng England-Wales thuộc Vương quốc Anh vẫn còn cấm tuyệt đối việc ghi hình phiên tòa. Vi phạm quy định này bị coi là chống lệnh tòa.

Trong khi đó, nhiều nước như Mỹ, Nauy, Nam Phi, cho phép làm điều này tương đối rộng rãi. Gần đây, một vụ án nổi tiếng như Anders Behring Breivik bị cáo buộc đánh bom và thảm sát ở Nauy hay vận động viên Nam Phi Oscar Pistorius bị cáo buộc giết người đã được được truyền hình trực tiếp.

Như vậy, nhiều nước đồng ý nguyên tắc chung là phiên tòa có thể được ghi âm, chụp ảnh, quay phim theo những hạn chế chính đáng nhằm bảo vệ lợi ích công cộng nói chung hoặc quyền của các bên liên quan. Một số ví dụ về hạn chế chính đáng như: việc ghi hình phải được sự cho phép của tòa án; không được ghi hình nhân chứng nếu không có sự đồng ý của họ; chỉ được ghi hình phiên tòa ở một khung cảnh chung mà không được ghi hình cận cảnh vào một người…

Việt Nam cần chương trình “tòa tuyên án” thật

Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tranh cãi về việc báo chí có được ghi hình các phiên tòa công khai hay không. Cuộc tranh luận này rất có ý nghĩa trong công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta đang theo đuổi những giá trị toàn cầu về nhà nước pháp quyền, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền. Chúng ta cũng đang xây dựng một xã hội dân chủ trong đó người dân được giáo dục mình có quyền làm gì và được biết nhà nước đang làm gì.

Theo xu thế đó, quá trình thi hành công lý cần được truyền tải nhiều hơn tới người dân thông qua các phương tiện truyền thông. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc này dễ dàng và chi phí thấp hơn bao giờ hết. Người dân đang trông đợi những chương trình “tòa tuyên án” không chỉ là truyền hình đóng vai như trước đây mà là những phiên tòa thực sự.

Việc gắn camera tại phòng xử án không phải là quá xa lạ khi TAND tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng từ 2008. Các luật sư nói chung ủng hộ ghi âm, ghi hình phiên tòa nhằm đảm bảo tính minh bạch và cũng là căn cứ để các bên khiếu nại.

Dưới một góc nhìn khác, các thẩm phán và kiểm sát viên cho rằng chủ tọa phiên tòa trong một vụ án cụ thể có quyền quyết định về việc cho phép ghi hình hay không. Cả hai quan điểm này đều hợp lý. Vấn đề là chúng ta cần quy định rõ điều này bằng văn bản pháp luật (chẳng hạn bằng quy chế về nội quy phiên tòa).

Bùi Tiến Đạt

(Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội)

-----

[1] Sẽ mở phiên tòa lưu động xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, Thanh niên, 05/11/2015.