Dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại 13 tỉnh của Trung Quốc. Trong khi đó, ước tính mỗi năm Việt Nam nhập 70 - 80 ngàn tấn gà thải loại từ nước này. Nhiều người lo lắng gà cúm từ Trung Quốc sẽ tuồn vào Việt Nam qua con đường nhập lậu nếu không được kiểm soát chặt.
Gà thải loại Trung Quốc: Ăn 70-80 ngàn tấn/năm
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gửi công văn khẩn tới UBND 63 tỉnh, thành phố, yêu cầu chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người. Bởi, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố (Vân Nam, Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Giang Tô,... ) với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), gấp 4 lần so với cùng kỳ những năm trước.
Trước thông tin trên, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều tỏ ra lo lắng gà cúm, gà bệnh từ Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam bằng các con đường khác nhau, sau đó tìm mọi cách tuồn ra chợ, trà trộn vào các loại gà khác bán cho người tiêu dùng.
Gà thải loại Trung Quốc vẫn được nhập về Việt Nam với số lượng cả 100 ngàn tấn mỗi năm |
Hiện nay, gà Trung Quốc và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam về cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, gà Trung Quốc và các sản phẩm gia cầm vẫn tìm mọi cách để có thể nhập lậu vào Việt Nam. Bởi, theo các chuyên gia trong ngành, việc buôn bán gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc có mức lợi nhuận ngang với việc buôn bán ma túy.
Đơn cử vào thời điểm cuối tháng 11/2016, tại huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đội Quản lý thị trường huyện Hoành Bồ bắt giữ và tổ chức tiêu hủy hơn 1,6 tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc đang trên đường tuồn vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ.
Hay những ngày đầu năm nay, tại Hải Phương cũng đã phát hiện, bắt giữ gần 40.000 quả trứng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2012-2013 - thời kỳ gà lậu tung hoành ở Việt Nam, dân buôn không chỉ thuê người cõng gà, thuê xe máy chở gà qua những con đường mòn về nội địa mà nhiều trường hợp còn chở gà lậu bằng xe Mercedes, xe Toyota Camry hay giấu dưới gầm xe khách chất lượng cao,...
Trong khi đó, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết, gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam hiện đã giảm nhưng vẫn chưa bịt được dứt điểm.
Theo ông Khanh, có 3 loại gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc thường xuyên nhập lậu về Việt Nam qua các tỉnh biên giới là gà thải loại, gà giống, nội tạng.
Riêng với gà thải loại, dù không có con số chính xác nhưng lượng gà thải nhập lậu về Việt Nam mỗi năm cũng ước đạt khoảng 70-80 ngàn tấn.
Theo các chuyên gia, cần kiểm soát chặt các tỉnh biên giới để tránh trường hợp gà nhập lậu tuồn vào Việt Nam trong dịp này |
Cần siết chặt đường biên
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, giá gia cầm tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đang giảm mạnh. Đơn cử, giá gà lông trắng xuất chuồng hiện chỉ ở mức 16.000-17.000 đồng/kg, gà lông màu giá 25.000 đồng/kg.
“Giá gà giảm mạnh vào thời điểm này là quy luật chung của thị trường hàng năm, vì vào tháng Giêng sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thịt gà ít hơn nên giá giảm”. Song, ông Ngọc cũng cho hay, đó chỉ là một phần nguyên nhân, phần nguyên nhân khác khiến giá gà giảm là do gà đông lạnh nhập từ các nước lại tràn ngập thị trường và đang được ưa chuộng do giá rất rẻ.
Thời điểm hiện tại này, một số doanh nghiệp nước ngoài đang chào bán sản phẩm gà công nghiệp với giá chỉ 13.000 đồng/kg. Theo ông Ngọc, giá cả thường tương đồng với chất lượng thịt, theo đó, gà giá rẻ sẽ có nhiều nguy cơ mất an toàn cao hơn so với thịt gà giá đắt.
Ngoài ra, ông cũng cho biết, tuy nước ta kiểm soát dịch bệnh rất tốt, nhất là đối với các sản phẩm gia cầm nhập, song, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở các nước láng giềng có cùng biên giới với Việt Nam, nhất là dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc nên cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt các tỉnh biên giới, tránh trường hợp gia cầm nhập lậu mang bệnh cúm tuồn vào Việt Nam làm lây bệnh ra đàn gia cầm trong nước.
Ông Trần Duy Khanh cũng lo lắng, Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A/H7N9, trong khi gà lậu vẫn âm thầm về Việt Nam mà không được kiểm soát chặt về vấn đề dịch bệnh.
Dân buôn họ chỉ buôn gà để kiếm lợi cao, không thể biết được đàn gà nào bệnh đàn gà nào không. Nếu không kiểm soát chặt gà lậu tại biên giới thì nguy cơ lây cúm từ Trung Quốc qua con đường nhập lậu là rất cao.
Trao đổi về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định Bộ kiên quyết phối hợp với các bộ, ngành nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới giáp với Trung Quốc.
Đặc biệt, các cư dân biên giới không được tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu để tuồn vào tiêu thụ trong nước.
Bộ NN-PTNT đang cùng hải quan, quản lý thị trường, công an,... tại các tỉnh biên giới kiểm soát chặt đến từng thôn, bản, khu vực tập kết buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm và các sản phẩm gia cầm để phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Như Băng