Vào năm 2016, cựu Tổng thống Mỹ Obama đã cùng ông Anthony Bourdain ăn một bữa bún chả có giá 6 USD (khoảng 141.000 VNĐ) tại Hà Nội vào dịp ông Obama tới thăm Việt Nam. Trong buổi họp cấp cao năm đó, ngoài những vấn đề hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ, cựu Tổng thống Mỹ còn hóm hỉnh cho biết mong sớm được thử "cà phê sữa đá”.
Những chiếc ghế nhựa thấp, cốc cà phê sữa đá vỉa hè, tô phở bò bốc khói hay đĩa bún chả thịt nướng thơm lừng chính là những trải nghiệm đáng mong chờ khi du khách quốc tế đến Việt Nam. Dân dã nhưng không kém phần cầu kỳ, bình dị và mang đậm cá tính vùng miền, ẩm thực Việt Nam đã chinh phục rất nhiều du khách quốc tế và nằm trong danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới do độc giả của Tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel bình chọn.
Trong một lần xoay sở thử làm bánh cuốn, đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay cũng phải thốt lên rằng: "May mắn tôi không sinh ra ở Việt Nam, nếu không tôi chỉ là một đầu bếp tồi".
Nhưng, điều mà ẩm thực Việt đang thiếu là gì? Đó là những ngôi sao Michelin - thứ mà các đầu bếp hàng đầu thế giới đều khao khát sở hữu.
Từ thời điểm ông Obama đến Việt Nam và gọi hai suất bún chả Hà Nội, hẳn chưa ai nghĩ đến việc ngày nào đó một nhà hàng hay một quán ăn đường phố với toàn ghế nhựa sẽ được gắn sao Michelin. Tuy nhiên, ý tưởng này hoàn toàn có thể thành hiện thực khi vào ngày 1/12, Michelin Guide công bố các thẩm định viên của tổ chức này đã có mặt tại Việt Nam nhằm tìm ra những "viên ngọc ẩm thực" đang ẩn giấu tại quốc gia từng đạt giải thưởng "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019" của World Travel Awards (WTA).
Theo khảo sát, 71% khách du lịch thường xuyên tăng chi tiêu tại các nhà hàng trong danh sách Michelin Guide, điều này giúp thúc đẩy sự xuất hiện của nhóm khách hàng cao cấp và khách du lịch có chi tiêu cao hơn. Việc gắn sao Michelin cũng tác động tích cực tới tư duy và phong cách phục vụ của các đầu bếp và nhà hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của ngành ẩm thực và du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Michelin Guide được một tập đoàn kinh tế tư nhân là Sun Group đứng ra hỗ trợ toàn bộ quá trình khảo sát và hành trình trải nghiệm ẩm thực của các giám khảo ẩn danh. Tập đoàn đã dành rất nhiều nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam vươn ra thế giới bằng hệ sinh thái du lịch đẳng cấp trong suốt 15 năm qua.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group chia sẻ lý do trở thành đối tác điểm đến của Michelin Guide tại Việt Nam: “Với việc đồng hành đưa Michelin Guide tới Việt Nam, chúng tôi mong muốn nước nhà không chỉ được thế giới biết đến như một điểm đến có thiên nhiên tươi đẹp, những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp hay những tổ hợp vui chơi giải trí tầm cỡ mà còn là điểm đến ẩm thực của thế giới với những nhà hàng mang sao Michelin danh giá”.
Tất nhiên, đây cũng không phải là lần đầu tiên Sun Group bắt tay với các tên tuổi lớn trong lĩnh vực ẩm thực thế giới để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới và đưa các tinh hoa thế giới về Việt Nam.
Junichi Yoshida - vị đầu bếp nổi tiếng từng nhận sao Michelin danh giá đã thoăn thoắt lướt lưỡi dao sắc lẹm trên miếng thịt bò Kobe thuần chủng từ Nhật Bản, lửa bùng trên bàn nướng bằng thép, thịt bò xém thơm lừng khắp nhà hàng Koki tại khách sạn thuộc hàng sang trọng hàng đầu đất kinh kỳ - Capella Hanoi. Với một thực khách sành ăn, được ngồi ngay tại Hà Nội ăn món bò Kobe trên bàn nướng teppanyaki và mục sở thị Junichi Yoshida múa dao nĩa sẽ là một trải nghiệm đắt giá.
Trên thế giới, Junichi Yoshida nổi danh là ông chủ của nhà hàng đầu tiên nhận sao Michelin cho nghệ thuật ẩm thực teppanyaki (phong cách nấu nướng thức ăn bằng việc dùng một vỉ gang, sắt hoặc thép). Tại Nhật Bản, thực khách sẽ phải chờ từ 3 - 6 tháng để có thể trải nghiệm món ăn của vị đầu bếp tài ba này.
Nếu xem sao Michelin là giới hạn cao nhất của nghệ thuật ẩm thực thì việc thực khách phải chờ đợi một năm để được mục sở thị tài nghệ của một đầu bếp sao Michelin là điều hợp lý, mặc dù đôi khi đến lúc được thưởng thức món ăn thì vị đầu bếp đã bị gỡ sao. Lấy ví dụ như nhà hàng Sukiyabashi Jiro tại Nhật Bản - nơi cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng dùng bữa với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm 2014 từng bị tước 3 sao Michelin vì thường xuyên thông báo không thể nhận đặt chỗ. Nếu muốn dùng bữa tại đây, các vị khách nên là khách quen, có quan hệ đặc biệt với chủ nhà hàng hoặc đặt bàn qua một khách sạn lớn…
Có thể thấy, sự “đắt giá” không phải là định nghĩa duy nhất cho các nhà hàng gắn sao Michelin. Xét đến cùng, hầu bao rủng rỉnh có thể quyết định việc một tỷ phú có muốn ăn trứng cá muối Almas đắt ngang với đá quý hay không, nhưng kể cả khi ông ta sẵn sàng chi mạnh tay cho một bữa ăn cũng chưa chắc được một nhà hàng 3 sao Michelin phục vụ.
Điều đó là dễ hiểu bởi một nhà hàng được gắn sao Michelin cũng giống như được nhận giải Oscar của ngành ẩm thực toàn cầu sau khi vượt qua các bài chấm điểm khắt khe từ 5 yếu tố cơ bản: Chất lượng nguyên liệu; Kỹ thuật nấu điêu luyện; Sự hài hòa trong hương vị; Thể hiện được cá tính độc nhất của đầu bếp; Chất lượng ổn định theo thời gian của các món ăn.
Tuy nhiên, những tiêu chuẩn khắt khe này khó có thể ngăn Việt Nam xuất hiện các nhà hàng gắn sao Michelin khi ẩm thực và nhu cầu hưởng thụ của người Việt đang tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới.
Ông Ahmad Faiez Mohamed Pisal- Giám đốc điều hành Michelin Việt Nam cho biết: “Với một lịch sử và di sản ẩm thực vô cùng thú vị, những hương vị đặc trưng độc đáo, công thức nấu ăn mang tính biểu tượng và những món ngon nổi tiếng, ẩm thực Việt Nam đã được biết đến khắp thế giới. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM xứng đáng được tôn vinh như hai viên ngọc. Ở đó, người dân địa phương coi ẩm thực đường phố là một lối sống và chủ các cơ sở ẩm thực dù là người bản địa hay từ nước ngoài tới đều là những tài năng”.
Trước khi Sun Group đưa Michelin về Việt Nam, rất nhiều nhà hàng trong chuỗi khách sạn cao cấp của tập đoàn này đã chú trọng nâng tầm ẩm thực Việt, hiện thực hoá khát khao quảng bá ẩm thực Việt với thế giới. Có thể kể đến như dự án phát triển Góc Bếp Việt để nâng tầm các món ăn dân dã thành nghệ thuật ẩm thực như món miến cua trứ danh tại Premier Village Resort hay các món ăn được chuẩn bị đặc biệt để đón các nguyên thủ quốc gia tại APEC 2017 do nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết thực hiện.
Sun Group cũng thường xuyên hợp tác với các nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam để gìn giữ đặc sắc truyền thống nguyên bản và tinh tế của các món ăn dân tộc tại các cơ sở của mình. Hoặc như tại một số nhà hàng thuộc các khu du lịch Sun World của tập đoàn này, một quầy Tết Buffet thường hiện diện những món ăn đặc trưng cho Tết Việt khắp ba miền, từ Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu đến Tết hàn thực, Tết Trung thu để thực khách trong nước thấy Tết Buffet là thấy Tết đến Xuân về, còn khách quốc tế cũng cảm thấy thú vị khi được trải nghiệm những cái Tết đặc sắc trong văn hóa Việt qua những món ăn ngon.
Không chỉ gìn giữ văn hóa Việt qua ẩm thực và mang ẩm thực truyền thống Việt đến gần hơn với du khách quốc tế, Sun Group cũng là một trong số rất ít những tập đoàn mang tinh hoa thế giới về nước nhà bằng việc mời những đầu bếp hạng sao Michelin đến Việt Nam.
Năm 2012, tập đoàn Sun Group đã thực hiện một điều gần như khó tin vào thời điểm đó là đưa đầu bếp lừng danh người Pháp Michel Roux về Việt Nam và mở cửa nhà hàng La Maison 1888 tại khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula resort. Những người là tín đồ ẩm thực đều từng nghe đến tên tuổi của Michel Roux - người duy nhất trên thế giới sở hữu nhà hàng duy trì danh hiệu 3 sao Michelin trong khoảng thời gian kỷ lục 27 năm. Về Việt Nam, Michel Roux đã đưa La Maison 1888 trở thành 1 trong 10 nhà hàng tốt nhất thế giới do CNN bình chọn và dẫn đầu danh sách nhà hàng Fine Dining thế giới theo World Travel Awards.
Có thể nói, La Maison 1888 là dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự hiện diện của sao Michelin tại Việt Nam. Sau Michel Roux, các tín đồ ẩm thực khi đến La Maison 1888 còn được thưởng thức các món ăn của Pierre Gagnaire - một huyền thoại trong làng ẩm thực khi đứng thứ nhì thế giới về số ngôi sao Michelin (12 sao). Đây quả thực là một trải nghiệm xa xỉ mà có lẽ chỉ có khu nghỉ dưỡng 4 năm liên tiếp đạt giải “Oscar của ngành du lịch” như InterContinental Danang Sun Peninsula resort mới có thể mang đến cho các thượng khách.
Vào năm 2019, Sun Group tiếp tục mang đến màn trình diễn nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao của đầu bếp 2 sao Michelin Ophélie Bares tại nhà hàng Pink Pearl của khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay. Được Tạp chí Le Chef bình chọn là "Đầu bếp bánh xuất sắc nhất nước Pháp”, Ophélie Bares đã khiến nhiều thực khách liên tưởng nhà hàng Pink Pearl với bối cảnh xa hoa của bộ phim The Great Gatsby cùng các món ăn thượng hạng như măng tây trắng landes, trứng cá oscietre, nhum biển Nhật Bản, bò wagyu cao cấp...
Hành trình đưa những tên tuổi lớn trong làng ẩm thực thế giới về Việt Nam của Sun Group chưa dừng lại ở đó. Mới đây nhất, khách sạn Capella Hanoi của tập đoàn tiếp tục mang đến một trải nghiệm ẩm thực chuẩn Nhật đỉnh cao tại nhà hàng Koki với sự xuất hiện của đầu bếp sao Michelin lừng danh Junichi Yoshida. Nhà hàng nằm tại tầng hầm của khách sạn boutique đẳng cấp Capella Hanoi này cũng là nhà hàng cao cấp đầu tiên tại Hà Nội đưa nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản Teppanyaki đạt chuẩn sao Michelin tới thực khách, mang đến cơ hội cho các tín đồ ẩm thực được tận hưởng tinh hoa ẩm thực thế giới ngay tại Thủ đô.
Trong vòng một thập niên, từ nền ẩm thực hầu như chỉ được du khách quốc tế biết đến bởi những món ăn đường phố dân dã như phở bò, nem rán, mì Quảng…, giờ đây Việt Nam đã chạm đến nghệ thuật ẩm thực thượng hạng khi xuất hiện món ăn có nguyên liệu đắt giá, những công thức nấu ăn tuyệt mật và kỹ nghệ điêu luyện của đầu bếp sao Michelin trứ danh. Đặc biệt, việc Sun Group đồng hành đưa Michelin Guide đến Việt Nam đã mở ra cơ hội lớn để ẩm thực Việt được nâng tầm nghệ thuật, khi lần đầu tiên các nhà hàng Việt sẽ được gắn những ngôi sao Michelin danh giá, hiện thực hoá mong muốn ghi tên Việt Nam trên bản đồ ẩm thực tinh hoa của thế giới.
Doãn Phong