Theo báo cáo vừa công bố của Deloitte về thị trường bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đang ở vị trí số 1 và bỏ xa các đối thủ khác về mạng lưới bán lẻ cũng như số lượng các trung tâm thương mại trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, tính tới tháng 1/2019, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khoảng 1.800 cửa hàng tiện lợi Vinmart+, hơn 100 siêu thị Vinmart, 66 trung tâm mua sắm (Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+) và 36 cửa hàng điện máy Vinpro.

Con số hàng ngàn cửa hàng và trung tâm thương mại của Vingroup được hình thành nhờ thuê từ người dân và trên chính những tòa nhà tại các đại dự án của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên khắp cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

{keywords}
Mạng lưới trung tâm thương mại của ông Phạm Nhật Vượng đứng ở vị trí số 1.

Số lượng cửa hàng và trung tâm trong mạng lưới của ông Vượng lớn hơn rất nhiều so với hầu hết các đối thủ khác đến từ trong và ngoài nước như: 7-Eleven (24 cửa hàng tiện lợi), AEON (145 cửa hàng và siêu thị), Big C (36), Circle K (300), Auchan (20), Lotte (17), MM Mega Market - trước là Metro (19), Parkson (6), FPT Retail (486), Hapro (10), Media Mart (95), Nguyễn Kim (64), Saigon Co.Op (381), Thế Giới Di Động (2064),...

Riêng trong lĩnh vực mặt bằng bán lẻ cao cấp, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt xa tất các đối thủ lớn trong và ngoài nước. Các mặt bằng bán lẻ cao cấp đều hình thành nên từ quỹ đất của chính tập đoàn này.

Theo báo cáo của Deloitte, tính đến tháng 1/2019, Việt Nam có gần 200 trung tâm thương mại, trong đó phần lớn thuộc về 3 ông lớn là Vingroup, AEON và Lotte. Vincom của Vingroup của ông Vượng hiện chiếm 60% trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP.HCM với tổng diện tích gần 1,2 triệu mét vuông.

Con số này còn lớn hơn khá nhiều bởi trong vài tháng vừa qua, Vingroup đã mở thêm một số và dự kiến nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 79 trong năm 2019.

FPT Retail (FRT) của ông Trương Gia Bình không tham gia vào mảng trung tâm thương mại và chỉ tập trung vào các cửa hàng bán lẻ điện máy FPT Shop, với 473 cửa hàng.

Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài là doanh nghiệp duy nhất sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ như ông Phạm Nhật Vượng. Tính tới tháng 1/2019, MWG sở hữu 1.058 cửa hàng điện thoại, 384 cửa hàng Bách Hóa Xanh và 724 cửa hàng Điện Máy Xanh. 

{keywords}
Vingroup áp đảo đối thủ ngoại.

Theo Deloitte, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong lĩnh vực bán lẻ nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Quy mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 2 tại Đông Nam Á vào năm 2025, chỉ sau Indonesia.

Mặc dù tăng trưởng mạnh về quy mô nhưng gần đây, đa số các cổ phiếu có hoạt động trong mảng bán lẻ đều chịu áp lực giảm khá lớn, một phần là áp lực cạnh tranh lớn và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến ảm đạm trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu VIC của Vingroup đang dần xa dời đỉnh 121.300 đồng/cp ghi nhận hôm 18/3. Trong phiên sáng nay 16/4, VIC có dấu hiệu giảm sàn (-7%) ngày đầu phiên, xuống còn 105.300 đồng/cp.

Cổ phiếu MWG của ông Nguyễn Đức Tài cũng đứng ở vùng thấp nhất 6 tháng: 82.500 đồng/cp. FPT Retail (FRT) ở vùng đáy 1 năm qua.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Phần lớn các CTCK đều có chung quan điểm dòng tiền đang suy yếu và nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tiền mặt, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp hồi phục của thị trường. 

{keywords}
Ông Vượng có lúc sở hữu 8,1 tỷ USD.

CTCK SHS cho rằng xác suất giảm của VN-Index tiếp tục được đánh giá cao hơn với ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 980 điểm và xa hơn là quanh ngưỡng 965 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên hạn chế mua vào trong giai đoạn này và có thể tận dụng những nhịp tăng điểm để bán giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Trong khi đó, CTCK Vndirect đánh giá thị trường vẫn tiếp tục dao động trong biên độ hẹp với các cổ phiếu vốn hóa lớn biến động trái chiều nhau. CTCK này cho rằng dòng tiền vẫn đang bị rút ra khỏi thị trường khi thanh khoản chỉ tăng theo chiều giảm điểm. Ở khía cạnh chỉ số, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn chưa quá tiêu cực khi hỗ trợ 965 điểm của VN-Index chưa bị phá vỡ. Tuy nhiên, các trạng thái cổ phiếu tiêu cực vẫn ngày một tăng và dòng tiền bị rút ra sẽ khiến tâm lý của thị trường yếu dần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/4, VN-Index giảm 3,05 điểm xuống 982,9 điểm; HNX-Index tăng 0,13 điểm lên 107,7 điểm. Upcom-Index tăng 0,16 điểm lên 56,64 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 3,7 tỷ đồng.

H. Tú