Âm nhạc chữa lành không biên giới

Cách đây không lâu, "đêm nhạc" không tên vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ diễn ra một cách hi hữu trên mảnh sân nhỏ nằm giao ở bệnh viện dã chiến số 3 tại TP.HCM. Nhóm nghệ sĩ Phương Thanh, saxophone Trần Mạnh Tuấn, Quốc Đại, Ái Phương, Ngọc Linh... trình diễn như lần cuối cầm mic, thổi kèn qua chiếc mặt nạ N95.

BS. Nguyễn Thành Tâm (Bệnh viện dã chiến thu dung số 1, TP.HCM) nói: "Các bệnh nhân F0 ở đây rất stress. Việc các nghệ sĩ mang tiếng hát đến đây làm chúng tôi rất mừng. Tôi mong những chương trình ý nghĩa thế này sẽ được nhân rộng ở các bệnh viện khác".

{keywords}
Người nghe có thể rơi nước mắt khi nghe tiếng saxophone của Trần Mạnh Tuấn. Ảnh: Quỷ cốc tử

Ở Hà Nội, ca sĩ Huyền Anh Yoko rơi nước mắt. "Tiếng kèn Saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vang lên giai điệu bài Quê hương. Ôi nghe sao mà da diết, xúc động đến thế...", cô viết.

Không phân biệt y bác sĩ và các bệnh nhân F0 ở bệnh viện dã chiến TP.HCM, Huyền Anh Yoko ở Hà Nội hay bao khán giả ở mọi miền đất nước, họ thấy nhẹ nhõm, dễ chịu, những gánh nặng tinh thần vợi đi, những nỗi niềm tạm lắng dịu.

Tháng 3/2020, nhiều người dân Italia ra ban công nhà riêng hát, nhảy, chơi nhạc cụ động viên lẫn nhau trong những ngày thành phố trầm lắng vì dịch bệnh. Nhiều người không biết chơi nhạc vẫn mang dụng cụ làm bếp ra khua khoắn hưởng ứng những tiết mục nghiệp dư vì họ thấy được chữa lành và kết nối qua âm nhạc.

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng sau nhiều năm nghiên cứu về tính chữa lành của âm nhạc, chia sẻ với VietNamNet rằng khả năng chữa lành của âm nhạc đã chứng minh bởi khoa học hiện đại. Theo đó, các tế bào thần kinh trong não người phát ra những loại sóng khác nhau. Mỗi loại sóng lại liên đới đến trạng thái tinh thần của con người như tỉnh táo, tập trung, thong thả, vui vẻ...

Âm nhạc với những tần số khác nhau, con người khi bắt được tần số của âm nhạc sẽ thay đổi tâm trạng thông qua các loại sóng của tế bào thần kinh, từ đó giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí tác động tích cực đến cơ thể người. "Như vậy, bài hát có tính chữa lành là những bài giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng, âu lo, cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và bình yên", nhạc sĩ này nói.

BS. Phạm Việt Hà (Khoa Covid B3, BV dã chiến điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch TP.HCM) cho hay, trên thế giới đã có một số nghiên cứu chứng minh các tác dụng tích cực của âm nhạc đối với stress và lo âu.

"Âm nhạc có tác dụng điều hoà cảm xúc. Một số trường hợp tôi biết, người điều trị vấn đề tâm lý được cho nghe nhạc để làm dịu trạng thái tinh thần của họ, từ đó cởi mở chia sẻ vấn đề của mình với bác sĩ hơn. Các phòng khám hiện nay cũng rất quan tâm chọn bài hát nào để phát ở khu vực bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh. Đây là ứng dụng rất thực tế của âm nhạc. Cá nhân tôi từng trải qua những giai đoạn chông chênh, tiêu cực và trở nên ổn hơn nhờ nghe nhạc", anh nói.

{keywords}
Tùng Dương hát trong hòa nhạc trực tuyến "Chia sẻ để gần nhau hơn".

MC Minh Đức nói thêm, âm nhạc chữa lành được định nghĩa bởi mỗi người. Không cứ gì giai điệu nhẹ nhàng mới là chữa lành vì rất nhiều người cần sự dữ dội của Rock để giải tỏa. Theo anh, các môn nghệ thuật đều có khả năng chữa lành nhưng một người có thể không cảm nhận được bức tranh vẫn dễ dàng nghe và thuộc nhanh vài câu hát. Điều đó cho thấy âm nhạc dễ tiếp cận số đông hơn cả. Suốt thời gian qua, màn trình diễn của Trần Mạnh Tuấn hay những hòa nhạc trực tuyến, MV, bài hát,... tác động rõ nét đến công chúng, cho thấy sức mạnh của âm nhạc lớn thế nào.

Chúng ta cần lắm âm nhạc lúc này!

Con người chịu nhiều tổn thương tinh thần vì dịch bệnh. Các nguồn khảo sát uy tín từ Science Direct, Embase, Scopus, PubMed, Web of Science (ISI) và Google Scholar databases đều cho thấy tỷ lệ người stress, lo âu và trầm cảm tăng cao trong nửa cuối năm 2020 (5/2020 - 12/2020). Âm nhạc là giải pháp chữa lành đơn giản và hiệu quả cho tinh thần con người lúc này.

Ở Việt Nam, nhiều sản phẩm được đánh giá là có tính chữa lành: Heal me của Nguyễn Văn Chung; Khanh Linh's Journey của Khánh Linh kết hợp Võ Thiện Thanh; Rừng xưa đã khépHòa âm của đại ngàn của Võ Thiện Thanh; Tình đàn của Ngô Hồng Quang,...

{keywords}
Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý.

Các ca sĩ như Lê Cát Trọng Lý, Nguyên Hà,... được tìm đến bởi giọng hát, phong cách hát nhẹ nhàng như kể, như ru, luôn tạo cảm giác xoa dịu, vỗ về người nghe. Không chỉ hát, Rap cũng làm điều tương tự nếu đó là sự thiện lành trong âm nhạc Đen Vâu, năng lượng yêu tươi trẻ của HIEUTHUHAI,...

Năm 2020, Nguyễn Văn Chung bị trầm cảm. Anh viết nhạc để tự chữa lành cho mình và album Heal me ra đời. "Tôi không viết dựa trên một nền tảng nghiên cứu khoa học nào. Đây là sản phẩm âm nhạc có tính chữa lành chứ không phải âm nhạc trị liệu trong y học. 6 bài nhạc chính là 6 bước tự chữa trị của tôi. Tôi tin rằng chúng cũng sẽ chữa lành cho mọi người", anh nói.

Anh chia sẻ với VietNamNet tin nhắn của nhiều khán giả cảm ơn anh vì họ được giảm thiểu nhiều vấn đề tâm lý nhờ nghe album Heal me. Khán giả Nguyễn Thảo Uyên nhắn cho Nguyễn Văn Chung: "Tôi nghe đến bài thứ 2 Healing Spell thì bật khóc mà không biết vì sao. Khóc xong, tôi thấy thanh thản, nhẹ lòng hơn". Nhạc sĩ nói thêm: "Album này không hot trên thị trường nhưng tôi rất hạnh phúc vì nó có ích cho người nghe".

"Họa mi" Khánh Linh cho rằng ca sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải giá trị chữa lành trong âm nhạc. "Tôi thường đặt mình vào vị thế của khán giả khi thu âm, vì ca sĩ luôn là khán giả đầu tiên của chính mình. Từ đó, người ca sĩ có thể chủ động điều chỉnh âm sắc, cách mở chữ, nhấn nhá,... để chuyển tải những giá trị họ mong muốn. Cá nhân tôi không kể hát nhạc vui, buồn đều muốn hướng người nghe của mình đến sự tích cực, yêu đời hơn", chị nói.

Khi làm album Khanh Linh's Journey, chị không nghĩ đến bối cảnh dịch bệnh. Nhưng thời gian gần đây, nhiều người quen nói với Khánh Linh rằng họ nghe các bài trong album và hiện lên trong tâm trí một cảnh thiên nhiên khoáng đạt, nơi họ được tự do bay nhảy. "Thật vui khi tôi đã chuyển tải đúng những gì tôi muốn trong album này", chị cho hay.

{keywords}
"Nghe nhạc không có thêm đồng nào nhưng chắc chắn nhẹ nhàng hơn".

MC Minh Đức lý giải: “Đại dịch thay đổi mọi thứ, những điều vốn dễ dàng bỗng trở nên khó khăn nên năng lượng tích cực là hết sức cần thiết. Không hề vĩ mô, bạn nghe một bài hát chẳng có thêm đồng nào nhưng chắc chắn ít nhiều tươi tỉnh, thấy được an ủi”.

Vì thế, âm nhạc là cách thức nhanh chóng và dễ dàng để lan tỏa năng lượng tích cực. Thông điệp âm nhạc vô hình, sức mạnh của âm nhạc cũng vô hình nhưng mạnh mẽ, đi sâu vào tâm thức và có sức lan rộng.

Trong hơn 1 tuần phong tỏa nơi mình sống, Minh Đức đã nghe hết đĩa của nghệ sĩ Piano Lang Lang. “Tôi nghe cổ điển khá nhiều nhưng đây là lần nhạc cổ điển thấm vào tôi dễ và nhanh nhất. Đó là cách tôi duy trì sự tích cực dù vẫn khá lạc quan”, anh nói thêm.

Trong thời dịch, ngay cả khi con người bị gián đoạn kết nối với nhau, với những sinh hoạt, thói quen và thú vui quen thuộc thì âm nhạc vẫn ở bên họ. Không kể nhạc có lời hay không lời, nhạc quốc tế hay nhạc Việt, indie hay mainstream, hàn lâm hay bình dân, âm nhạc luôn thực hiện đúng thiên chức là giúp con người trở nên tốt hơn.

Giai điệu 'Quê hương' qua tiếng Saxophone Trần Mạnh Tuấn:

Ca khúc 'Mưa đêm' trong 'Khanh Linh's Journey':

Gia Bảo

Lời ca, tiếng saxophone và nước mắt khán giả những ngày giãn cách

Lời ca, tiếng saxophone và nước mắt khán giả những ngày giãn cách

Những ngày các thành phố thực hiện giãn cách xã hội, âm nhạc "sống" không còn hiện hữu. "Show" diễn mới đây của nhóm nghệ sĩ ở khu bệnh viện dã chiến TP.HCM khiến người xem rơi nước mắt.