Lưu Đức Anh nói rằng âm nhạc cổ điển đã giúp mình trở thành một người tốt, không ích kỷ và có kỷ luật. 

Thạc sĩ Lưu Đức Anh, sinh năm 1993, Học viện âm nhạc Malmo, Thụy Điển, giải nhất cuộc thi Piano quốc tế Stockholm tại Stockholm-Thụy Điển; Giải đặc biệt cuộc thi Piano quốc tế “Alain Marinaro” tại Collioure – Pháp… Anh là một trong 20 đề cử Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2017.

Có bố là PGS.TS NSƯT Lưu Quang Minh, anh trai là nghệ sĩ Lưu Hồng Quang (từng được giải Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc), Lưu Đức Anh cho biết "hồi nhỏ cũng gặp áp lực đôi chút vì cũng không thể tránh được những lời so sánh từ người ngoài, mặc dù người ta cũng chẳng có ác ý gì". 

Nhưng qua thời gian, "dần dần áp lực đó cũng nhẹ dần và bây giờ thì mình không còn chịu ảnh hưởng gì nữa. Giờ đây, mỗi người đều đã có một phong cách riêng, một vùng trời riêng và cùng nhau giúp đỡ hoàn thiện nhau một cách rất dễ dàng" - Lưu Đức Anh chia sẻ.

{keywords}
 

Mỗi nghệ sĩ phải thật lòng mong muốn sẻ chia

Nhiều người cho rằng học piano rất lâu, cần phải đầu tư rất nhiều nhưng lại không có gì đảm bảo cho tương lai. Rất nhiều người đã rơi rụng dần trên hành trình ấy. Bản thân anh có gặp phải trở ngại gì trên con đường này không?

- Mình nghĩ là mình đã rất may mắn khi có gia đình và thầy cô giáo chỉ đường vô cùng đúng đắn.

Mình bắt đầu rất chậm rãi và từ tốn, dần tham gia các cuộc thi từ nhỏ đến lớn, không hề có mục tiêu phải trở thành ngôi sao nổi tiếng từ khi còn nhỏ tuổi. Mọi thứ đối với mình bây giờ được xây dựng vô cùng chắc chắn qua một quá trình rất dài và mình vẫn đang tiến bộ lên từng ngày.

Có một khó khăn đáng kể nhất có thể nói là những lúc cấp 2, cấp 3, phải duy trì cả việc tập đàn lẫn đảm bảo chất lượng học văn hóa ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Mình không có thời gian đi học thêm như những bạn khác. Nhiều khi không thể xong hết được bài tập và đành tới trường với tâm trạng khá lo lắng hy vọng cô giáo sẽ không kiểm tra đến mình.

Thường hầu hết mọi người đều dừng học đàn ở cấp 3 vì muốn tập trung thi một Đại học khác. Mình lúc đó cũng chưa xác định rõ được đích đến nghề nghiệp nên vẫn phải cố duy trì cả hai, rất may là mình cũng đã qua được.

Theo anh, thứ quý giá nhất của một người nghệ sĩ piano là gì?

- Có lẽ, đối với tất cả nghệ sĩ nói chung, đó là một tấm lòng chân thành, sẵn sàng chia sẻ. Còn về chuyên môn thì nếu đã tự nhận là nghệ sĩ thì đương nhiên cũng phải có ít nhiều.

Nghệ thuật là một thế giới vô hình song song với thế giới hiện thực bây giờ, nhưng nó chỉ bao gồm những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất mà các vĩ nhân đã và đang để lại. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải đi tới thế giới đó, mang các tri thức đó truyền lại tới khán giả ở thế giới thực tại để thay đổi thế giới, góp phần làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp lên.

Để làm được điều đó, mỗi nghệ sĩ phải thật lòng mong muốn sẻ chia với khán giả, chứ không phải dùng nghệ thuật để đánh bóng cho tên tuổi của bản thân.

{keywords}
 

Anh đã tích lũy được những gì khi học piano?

- Hiện tại, có thể nói mình đang học về âm nhạc chứ không phải học piano nữa. Piano chỉ là một phương tiện giúp mình đi tới âm nhạc, tới thế giới nghệ thuật.

Điều lớn nhất mà âm nhạc cổ điển mang tới cho mình là đã giúp mình trở thành một người tốt, không ích kỷ, luôn luôn muốn chia sẻ với mọi người, biết yêu thương người khác.

Thứ hai, nó đã giúp mình trở thành một con người có kỉ luật, được hình thành từ nhiều năm tháng kiên trì tập luyện nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày.

Cuối cùng là mình có được một khối lượng kiến thức lớn về văn hóa nghệ thuật.

Ở Việt Nam, âm nhạc cổ điển không phải là thể loại gần gũi với nhiều người. Anh nghĩ sứ mệnh của mình là gì trong việc đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả Việt?

- Mình tự thấy mình có nhiều may mắn về hoàn cảnh, điều kiện cũng như khả năng. Chính vì thế mình càng nhận thấy mình phải có trách nhiệm và sứ mệnh lớn hơn những người kém may mắn hơn.

Sau nhiều năm học tập ở nước ngoài, mình nhận thấy (và cả thế giới cũng công nhận) vai trò của âm nhạc cổ điển và sự quan trọng của thể loại nghệ thuật này tới sự phát triển văn hóa của mỗi quốc gia.

Việt Nam vì hoàn cảnh lịch sử mà thể loại nghệ thuật không được chú trọng tới, đem lại nhiều sự thiệt thòi. Mình hy vọng có thể góp phần nhỏ của mình thông qua những buổi biểu diễn, những dự án âm nhạc lớn nhỏ để giúp nhiều người nhận ra vai trò thực sự của âm nhạc cổ điển.

Mình không hề có ý ép buộc khán giả phải yêu thích âm nhạc cổ điển hay từ bỏ những thể loại âm nhạc khác, đơn giản là đưa tới một nhận thức đúng đắn hơn về thể loại nghệ thuật này, vốn đang bị hiểu lầm rất nhiều ở Việt Nam.

Tôi đã từng rất hứng thú với môn Vật lý

Nhà có ba người đàn ông (bố và hai con trai) đều theo nghiệp đàn. Gia đình anh có quy tắc nào riêng được xem như gia phong hay không?

- Mình nghĩ là gia đình mình cũng bình thường như những gia đình khác thôi. Có thể nói là nghiêm khắc hơn một chút so với những gia đình của thế hệ trẻ hơn bây giờ, nhưng thời đó thì hoàn toàn là bình thường.

Nhà có 2 con trai, tính vốn đã hiếu động lại cần phải duy trì kỉ luật tập luyện, nên đương nhiên là phải nghiêm khắc rồi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nói mình không có tuổi thơ hay tuổi thơ chỉ có đàn. Gia đình cũng sắp xếp thời gian học hợp lý để mình vẫn được đi chơi hay thỉnh thoảng mua những món đồ mà mình thích.

Nói chung là mình tuy phải học nhiều từ bé, nhưng không hề thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa là mấy.

{keywords}
 

Người thầy mà anh ấn tượng nhất trong suốt quãng thời gian học piano là ai? Bài học hay cách dạy nào của thầy mà anh nhớ nhất?

- Mình có may mắn được học với chú Đặng Thái Sơn tại một festival ở Nhật trong vòng 2 tuần năm 2011. Có rất nhiều điều chú nói mà vẫn theo mình đến tận bây giờ. Một trong số đó là những lời giảng về kỹ năng nghe.

Tay của mình có thể chỉ đạt đến một tốc độ giới hạn nhưng tai của mình thì không hề có giới hạn. Mỗi ngày mình vẫn nghe được nhiều thứ hơn, nhiều chi tiết hơn trong âm nhạc.

Càng lớn mình càng nhận ra đôi tai còn quý giá hơn cả đôi tay. Đôi khi không chỉ nghe người ta chơi đàn thế nào, hát thế nào mà còn nghe xem người ta là con người như thế nào nữa.

Vậy còn các môn văn hoá thì sao? Môn học nào khiến anh thấy thú vị hơn cả?

- Mình cũng cố gắng và duy trì được học sinh giỏi trong cả 12 năm học. Mình có rất nhiều hứng thú với bộ môn Vật lý nhưng cũng tiếc vì thời gian đó không có nhiều thời gian để tìm hiểu thêm.

Có nỗi buồn nào đáng kể mà anh đã từng trải qua?

- Buồn về chuyện cá nhân thì xin phép giữ làm vấn đề riêng tư. Buồn trong học hành thì có thể kể đến câu chuyện thi đầu vào cấp 3. Đây là một kỉ niệm đến bây giờ mình vẫn nhớ rất rõ và luôn nhắc nhở mình mỗi ngày.

Khoảng 10 năm trước, mình vẫn chưa hề thực sự có ý định nghiêm túc về việc trở thành một nghệ sĩ biểu diễn mặc dù rất đam mê. Lúc đó là kì thi đầu vào cấp 3. Mình luôn muốn vào một ngôi trường tốt có uy tín để có điều kiện học tập tốt nhất để thi vào một trường đại học nào đó.

Năm đó, mình đăng ký thi vào Trường THPT Thăng Long, đó cũng là quyết tâm của mình trong suốt những năm cấp 2. Mình luôn tự tin mình là đứa có học lực giỏi, các thầy cô giáo cấp 2 cũng rất tự tin và tin chắc mình sẽ đỗ không chút khó khăn gì.

Tuy nhiên, lúc làm bài kiểm tra môn Toán, không hiểu sao mình lại bất cẩn làm sai ngay câu đầu tiên (thường là câu dễ nhất và nhiều điểm nhất). Và đương nhiên là mình không đủ điểm để vào Thăng Long và phải chuyển sang học ở Trường THPT Trần Phú.

Những ngày tháng chờ đợi kết quả mặc dù biết chắc là mình trượt thực sự rất khó khăn và căng thẳng. Nhưng một thời gian sau nghĩ lại, mình luôn cho rằng đây là số phận đã quyết đưa mình tới với âm nhạc.

Nếu như ngày đó thi đỗ, có khi bây giờ mình đang làm một ngành nghề hoàn toàn khác rồi. Do đó, kỉ niệm này luôn là lời nhắc nhở rằng mình có một sứ mệnh với âm nhạc và phải nỗ lực cống hiến bằng hết tất cả khả năng của mình.

Mình chủ yếu đọc sách về âm nhạc là nhiều hơn cả. Tuy nhiên có một cuốn sách mình càng ngày càng thấy thích đó chính là trường ca “Divine Comedy” - “Thần khúc” của Dante Alighieri, đây là một tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật châu Âu. Lúc đầu đọc thực sự thấy rất rất khó hiểu nhưng càng đọc, mình càng thấy thấm thía và nhận ra được sự kết nối chặt chẽ của nó tới âm nhạc cổ điển.

Xin cảm ơn anh

Ban Giáo dục thực hiện

"Phá án ngoài đời còn gay cấn hơn trong phim"

"Phá án ngoài đời còn gay cấn hơn trong phim"

Các đề cử "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017" đã có mặt tại tòa soạn VietNamNet giao lưu với độc giả.