Có tuần không bán được chiếc xe nào

Với quan niệm của không ít người Việt, tháng Ngâu không phù hợp để mua bán tài sản lớn, điều này đã kéo sức mua của thị trường ô tô giảm sút đáng kể trong thời gian vừa qua.

Theo khảo sát của PV VietNamNet, trong tháng 7 âm lịch, nhiều đại lý, showroom ô tô tại Hà Nội lâm vào cảnh vắng vẻ hơn hẳn so với những tháng trước.

Anh Lương Thanh Tuấn, phụ trách bán hàng của một đại lý Honda lớn tại Hà Nội cho biết, tháng 8 vừa qua (gần trùng với tháng Ngâu – tháng 7 âm lịch), đại lý này “chốt sổ” được khoảng 60-70 xe. Trong khi đó, với các tháng cao điểm, số lượng xe bán ra tại đại lý này có thể đến trên dưới 300 chiếc.

Thậm chí, anh Tuấn còn đánh giá tháng Ngâu năm 2022 vừa qua ế ẩm nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây.

“Những năm trước, mặc dù bị hạn chế nhiều bởi Covid nhưng lượng bán ra trong tháng 7 âm lịch ở đại lý chúng tôi vẫn vào khoảng 140-150 xe, thế mà năm nay không được một nửa. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt linh kiện nên hãng có ít khuyến mại hơn hẳn mọi năm, do vậy, khách hàng thấy không thực sự hấp dẫn để có thể xuống tiền trong tháng vốn bị kiêng này”, anh Tuấn nhận định.

Dân sales ô tô thờ phào khi tháng Ngâu đã hết. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Cùng chung nhận định, chị Vũ Phương Linh, nhân viên bán hàng của một đại lý ô tô trên đường Phạm Hùng cho biết, tháng Ngâu năm trước chị còn bán được một vài xe mỗi tuần. Nhưng tháng Ngâu năm nay, có tuần chị Linh bán được 1 xe, thậm chí còn có tuần không bán được chiếc nào.

"Khách chỉ đến xem rồi may mắn lắm thì đặt cọc tiền để giữ xe, chờ qua tháng 7 âm lịch mới làm nốt thủ tục. Thế nên chúng tôi chỉ muốn nhanh hết tháng Ngâu để còn bán hàng", chị Linh chia sẻ.

Không chỉ ở những đại lý xe mới, tình trạng ế ẩm trong cả một tháng Ngâu còn là nỗi ám ảnh ở những showroom ô tô cũ vốn ít người mua bị kiêng kỵ hơn.

Anh Nguyễn Quốc Khánh, chủ một showroom ô tô lớn trên phố Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: "Khách mua xe cũ không quá kỹ tính như đối với xe mới, nhưng dù sao ô tô vẫn là tài sản lớn nên hầu nửa đầu tháng Ngâu chúng tôi bị giảm khách rất nhiều. Trừ những khách không quan tâm hoặc rất cần xe để đi, còn lại hầu hết chỉ "xuống tiền" sau rằm tháng 7".

Tâm lý kiêng kỵ trong tháng Ngâu cũng khiến nhiều showroom ô tô vắng vẻ. (Ảnh: V.H)

Theo anh Khánh, khó khăn với các showroom ô tô cũ trong tháng Ngâu còn đến từ nguồn đầu vào, tức là việc mua lại xe của người dân. Đặc biệt, với những showroom chuyên các dòng xe chạy lướt giá trên dưới 1 tỷ như cơ sở của anh Khánh thì nguồn hàng càng hiếm tìm hơn bởi tháng này ít người đổi xe hơn các tháng khác.

"Ngoài dòng tiền bị chết vì luân chuyển chậm, tôi và các anh em bị đọng vốn trong tháng Ngâu khá nhiều để chuẩn bị sẵn nguồn hàng. Thế nên chúng tôi vui hơn ai hết khi tháng Ngâu đã chính thức kết thúc. Hy vọng tháng từ nay đến cuối năm tình hình sẽ sáng sủa hơn", anh Khánh chia sẻ.

Tháng Ngâu đã qua, các hãng chuẩn bị "bung lụa"

Có thể nói, tình trạng hàng ế ẩm trong tháng Ngâu là điều đã được các đại lý và showroom bán xe cũ dự đoán từ trước. Tháng Ngâu cũng là khoảng trầm cần thiết để cả người bán lẫn người mua có những bước chuẩn bị và hướng tới một tháng mới sôi động hơn.

Nhìn lại tháng Ngâu đã qua, có vẻ như các hãng xe tại Việt Nam cũng rất thận trọng khi hầu như không có sản phẩm mới nào được tung ra. Tuy nhiên, ngay sau khi tháng 7 âm lịch kết thúc, hàng loạt mẫu xe mới đã được "lên kệ" để chờ ngày đến tay khách hàng.

Cụ thể, trong những ngày cuối tháng 8, mẫu bán tải Ford Ranger 2023 được xuất xưởng tại nhà máy tại Hải Dương. Còn ngay trong đầu tháng 9 tới, dự kiến một loạt mẫu xe mới sẽ được chào sân. Có thể kể tới như Ford Territory, Hyundai Elantra 2023, mẫu xe hybrid Nissan Kicks hay phiên bản hybrid của Suzuki Ertiga,...

Ford Ranger vừa được xuất xưởng mới đây tại Hải Dương. (Ảnh: Ford Việt Nam)

Các chuyên gia cho rằng, giống như những năm trước, khoảng lắng vào tháng Ngâu chỉ là tạm thời bởi nhu cầu của khách hàng vẫn rất lớn, nhất là khi dịch Covid-19 đã tạm đi qua và thị trường chuẩn bị đi vào những tháng cao điểm cuối năm.

Sự sáng sủa của thị trường xe mới những tháng tới sẽ khiến vòng luân chuyển xe nhanh hơn, gián tiếp tác động đến thị trường xe cũ. Với thị trường ô tô đã qua sử dụng, các chuyên gia cũng có những nhìn nhận rất sáng sủa bởi ngày càng nhiều người thay vì chọn xe mới với lắm "nhiêu khê" đã quay sang lựa chọn những chiếc xe lướt sử dụng 1-2 năm.

Tuy vậy, ngoài những nhận định sáng sủa về thị trường, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo rủi ro liên quan đến tình trạng khan hiếm linh kiện, có thể khiến nguồn cung xe mới thay đổi theo hướng xấu trong những tháng tới.

"Trường hợp nguồn cung không quá dồi dào, dẫn tới việc tăng giá của các hãng và bán "bia kèm lạc" ở nhiều đại lý có thể khiến nhiều khách hàng khó tiếp cận, dẫn tới quay lưng lại với xe mới. Điều này phụ thuộc và trông chờ rất nhiều vào sự chủ động và chính sách của mỗi hãng xe ngay từ thời điểm này", một chuyên gia về thị trường ô tô đưa ra ý kiến.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!