Tại một khu đô thị mới của Hà Nội, một robot giao hàng đang chạy thử nghiệm nhờ AI (trí tuệ nhân tạo). Robot di chuyển trên đường với tốc độ được lập trình sẵn, có xử lý trước những vật cản hay con người trong khi vận hành. Robot này đưa hàng theo một lộ trình đã được thiết lập sẵn tới tay người nhận. Kết quả bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Ý tưởng từ những ngày giãn cách xã hội
Xe không người lái là một vấn đề khá mới ở Việt Nam, nên việc một robot tự vận hành bằng công nghệ AI khiến nhiều người khá bất ngờ khi biết tới Startup này. Thậm chí, có câu hỏi từng đặt ra với ông Nguyễn Tuấn Anh về việc ông có đang tự làm khó mình?
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực xe không người lái, FPT, Phenikaa-X và VinFast là những doanh nghiệp đã có những thử nghiệm ban đầu, đặt nền móng cho thị trường. Nhưng, phần lớn vẫn ở mức độ nghiên cứu.
Cách đây không lâu, FPT đã tạo ra chiếc xe điện tự lái và cho chạy thử nghiệm tại Ecopark. Tuy nhiên, FPT không sản xuất xe không người lái như các ông lớn Google, Tesla mà chỉ tập trung phát triển các phần mềm điều khiển tự động cho xe, ông Hoàng Nam Tiến từng chia sẻ như vậy trong một chương trình đối thoại của Báo VietNamNet.
Còn về Robot giao hàng không người lái, dự án của ông Nguyễn Tuấn Anh là đơn vị đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Trên thế giới, nhiều công ty công nghệ lớn như Amazon, Alibaba bắt đầu thử nghiệm việc giao hàng bằng robot tự hành.
Ông Nguyễn Tuấn Anh đồng sáng lập và là Tổng Giám đốc Alpha Asimov Robotics cho biết, ý tưởng của dự án bắt đầu từ thời điểm đại dịch. Trong thời điểm giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường và tiếp xúc trực tiếp, lúc này chỉ có robot giao hàng là công cụ hiệu quả trong việc hỗ trợ quá trình vận chuyển hàng hóa.
Thực tế đó đã thôi thúc một người từng học về lập trình máy tính và kinh nghiệm làm việc tại Grab - ông Nguyễn Tuấn Anh về một sản phẩm công nghệ sáng tạo robot giao hàng tự động, để giải bài toán vận chuyển hàng trong ngắn hạn đại dịch. Robot giao hàng tự động cũng chính là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Ông Nguyễn Tuấn Anh bắt đầu có ý tưởng về Alpha Asimov Robotics từ tháng 9/2021 và đến tháng 11 chính thức thành lập công ty. Sản phẩm hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.
Theo ước tính của Statista, thị trường Last-Mile Delivery toàn cầu đến năm 2027 đạt 200 tỷ USD. Riêng thị trường giao hàng bằng robot tự hành đến năm 2027 đạt đến 41 tỷ USD.
Giải bài toán chi phí giao hàng
Ông Tuấn Anh cho hay, tại Việt Nam chi phí dịch vụ Last-Mile Delivery (giao hàng chặng cuối đến người dùng) rất cao, có thể chiếm đến 53% tổng chi phí vận chuyển. Để giao một món đồ ăn phải cần tới xe máy và người lái, tổng trọng lượng hơn 150kg, năng lượng cần để giao hàng rất lớn. Trong khi robot giao hàng chỉ có 50kg, chi phí năng lượng giao hàng giảm đi rất nhiều. Để tăng hiệu quả, giảm chi phí giao hàng, cách duy nhất là dùng robot.
Bên cạnh đó, thực tế, hàng hoá từ Trung Quốc về kho ở Việt Nam còn rẻ hơn từ kho về tới nhà người nhận. Các chi phí này người tiêu dùng đang phải trả.
Chính vì vậy nếu tự động hóa và tăng hiệu quả ở khâu này sẽ dẫn đến việc tiết kiệm chi phí rất lớn cho người dùng cuối. Đây cũng là cơ hội rất lớn mà ông Tuấn Anh quyết tâm làm được.
Theo giới thiệu, robot có tải trọng 50kg, di chuyển với tốc độ tương đương xe đạp, ở mức 15 – 25 km/h. Giống như một chiếc ô tô tự lái, robot này cũng được trang bị các camera, bộ cảm biến, công nghệ GPS. Nhờ ứng dụng công nghệ nhận biết chuyển động, robot có thể tự động điều chỉnh tốc độ và tránh va chạm.
Cũng như các dịch vụ giao hàng khác, sau khi người dùng đặt hàng và yêu cầu vận chuyển, nhà cung cấp sẽ tiến hành giao hàng dựa trên vị trí khách hàng. Theo chỉ dẫn, robot giao hàng sẽ tự động tìm đường đến giao sản phẩm đến cho khách hàng.
Hiện robot có khả năng 95% tự hành với đa số tình huống tự xử lý, còn 5% giao cho con người ở phòng thí nghiệm xử lý. Alpha Asimov đang chạy thử nghiệm tại một số khu đô thị tại Hà Nội như Ecopark, VinUni, Phenikaa.
Thực tế, triển khai dự án robot giao hàng không dễ dàng. Theo ông Tuấn Anh, chưa có quy định về luật với các phương tiện này trên đường.
“Hiện nay chưa có quy định vì hình thức này quá mới, nên trong khuôn khổ thử nghiệm robot chỉ chạy trong các khu đô thị. Trong thời gian tới, luật giao thông đường bộ mới có thêm điều khoản cho các phương tiện công nghệ mới, nguyên lý mới. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý cho các loại hình mới như Alpha Asimov”, ông Tuấn Anh cho biết.
Để tận dụng sự hỗ trợ công nghệ, Alpha Asimov đã bắt tay với Phenikaa-X từ nghiên cứu phát triển tới kinh nghiệm vận hành. Cofounder của Alpha Asimov là ông Lê Anh Sơn và công ty Phenikaa-X.
“Khi bắt đầu, tôi thấy ý tưởng về robot giao hàng tự hành có thể mở rộng ra cả Đông Nam Á và nhiều nước khác trên thế giới, vì vậy tôi quyết định đi tìm người có thể hỗ trợ mình thực hiện dự án. Tôi rất vui khi Việt Nam có những tập đoàn lớn thật sự quan tâm và đầu tư vào ngành này. Thật ra Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này, mọi người đang làm thật chứ không phải chỉ nói mà không làm”, anh cho biết thêm.
Mô hình hoạt động của Alpha Asimov có 20 thành viên làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau “không biên giới”, trong tương lai còn có nhóm làm việc tại Singapore.
Đánh giá về triển vọng, ông Tuấn Anh cho hay, với chi phí giao hàng hiện nay thì tới năm 2026, chi phí robot giao hàng có thể bằng chi phí của người giao. Từ đó trở đi, chi phí giao hàng bằng robot càng ngày càng rẻ hơn. Khi chi phí robot giao hàng bằng với con người ở Việt Nam thì các nước khác giá thành có thể rẻ hơn như ở Singapore, UAE, Hàn Quốc hay Úc. Robot giao hàng được kỳ vọng sẽ thay thế vai trò của con người, mang lại giải pháp phù hợp với chi phí hiệu quả hơn.
Từ những kết quả bước đầu, ông Tuấn Anh kỳ vọng trong một tương lai không xa Alpha Asimov trở nên quen thuộc với con người ở đô thị. Ông đặt mục tiêu, trong tương lai, startup này có thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, vượt ra khu vực Đông Nam Á.
(Còn tiếp)