- Sau nhiều năm ghi dấu trên đất Mỹ, trở về Việt Nam, TS. Alan Phan nổi tiếng không chỉ trong vai trò một doanh nhân, mà còn với tư cách một diễn giả với hàng loạt phát ngôn gây sốc nhưng cũng đầy tâm huyết về kinh tế đất nước.
Việt kiều đầu tiên có mặt trên sàn CK Mỹ
Thực sự, doanh nhân Alan Phan không nổi tiếng trên đất Mỹ như nhiều người từng nghĩ. Những cổ phiếu mà ông sở hữu chìm nghỉm trên TTCK Mỹ, không có trong hầu hết trên các trang tài chính phổ biến. Thành quả nghề nghiệp của ông nhỏ bé giữa một rừng tỷ phú ở Mỹ.
Ông cũng không nổi lên như vũ bão như tỷ phú “huyết tương” Hoàng Kiều, người Mỹ gốc Việt lọt tốp 400 tỷ phú Mỹ và kiếm 3,8 tỷ USD trong hai năm vừa qua; cũng không nổi tiếng như ông chủ khách sạn Trần Đình Trường hay tỷ phú Chính Chu ở Blackstone,...
Chính bản thân Alan Phan cũng từng chia sẻ, xin không gọi ông là tỷ phú, mà chỉ là một người bình thường, cũng lao vào vòng xoáy kiếm tiền, cũng trải quá những rắc rối, phức tạp của cuộc sống và cũng phải trả giá rất nhiều.
TS. Alan Phan |
Mặc dù vậy, không ít người vẫn công nhận và khâm phục những gì mà ông đã làm được trong hơn 4 thập kỷ tại Mỹ và Trung Quốc. Ông để lại một di sản khá lớn lao, bao gồm cả tài sản ở hàng loạt các DN ở Mỹ và Trung Quốc, cũng như nhiều giá trị về cuộc sống, kinh nghiệm và kiến thức,...
Người ta biết đến ông qua những cuốn sách nổi tiếng như: “42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc”, “Niêm yết sàn Mỹ”, “Doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu”, “Một tư duy khác về kinh tế và xã hội Việt Nam”,...
Niêm yết cổ phiếu trên sàn Mỹ có thể nói là một thành công nổi bật của ông. Năm 1987, ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty Hartcourt của mình niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Tới năm 1999, công ty này có giá trị lên tới 670 triệu USD. Hartcourt sau đó được tách thành 5 công ty, gồm HRCT, SRRY, ETAK, ENVI và SPXP và tiếp tục niêm yết trên TTCK Mỹ.
Tuy quy mô khá nhỏ bé và không thực sự nổi bật, nhưng nhờ bước đi này, ông được nhiều NĐT Mỹ quan tâm. Cổ phiếu nhỏ cũng thực sự thu hút giới đầu tư bởi lợi nhuận cao và thanh khoản cũng không hề thấp.
Khoảng 10 năm sau, Alan Phan lại trở thành doanh nhân đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc (1997). Ông là thành viên sáng lập của Alan Phan Associates (APA), có trụ sở tại California và Hong Kong. APA chuyên về hoạt động M&A liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc. Và là chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hong Kong, chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002-2008).
Không tỏa sáng trong một thế giới tài chính sôi động như Mỹ, nhưng sự thành công và những trải nghiệm cũng như kinh nghiệm làm giảng viên thỉnh giảng tại một vài đại học và Mỹ và Trung Quốc, cùng với bằng kỹ sư tại Pennsylvania State University (Mỹ), thạc sĩ (MBA) tại American Intercontinental University (Mỹ) và tiến sĩ (DBA) tại Southern Cross University (Úc),... đã góp phần tạo nên tiếng tăm khi ông về Việt Nam.
Trong nhiều lần trao đổi với báo chí, Alan Phan cho rằng ông có khả năng đầu tư 2 triệu và thu về 20 triệu. Tuy nhiên, số tiền đầu tư là USD, còn thu về là đồng nội tệ. Đây có lẽ là một sự đúc rút về kết quả làm ăn kinh doanh không mấy thành công của ông ở Việt Nam.
Suốt 8 năm ở Việt Nam, ông tham gia rất nhiều sự kiện với tư cách là chuyên gia kinh tế, là diễn giả,... nhưng người ta không thấy các dự án kinh doanh của ông, ngoại trừ câu chuyện ông đầu tư thử nghiệm và mất khoảng 2 triệu USD trong cuộc chơi này.
Alan Phan lại khá nổi tiếng khi có mặt tại hàng loạt hội nghị, hội thảo, diễn đàn kinh tế trong nước với nhiều ý kiến, góc nhìn khá thẳng thắn và sâu sắc về kinh tế Việt Nam |
Giải thích cho sự thiếu vắng này tại Việt Nam, Alan Phan từng chia sẻ trên trang web của mình, rằng do ông thấy kỹ năng của mình hoàn toàn không thích hợp.
Tất nhiên, thời điểm ông rời Việt Nam - cuối năm 2014 - Alan Phan vẫn chia sẻ ý định thiết lập một DN mới dựa trên công nghệ in 3D để tạo ra một sản phẩm đặc thù, với mục đích xây dựng một thương hiệu mà ông có thể mở mày mở mặt tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tất cả đã trở nên quá muộn.
Giấc mơ 20 triệu máy tính bảng với đầy đủ giáo trình và chức năng tiện dụng trong học tập dành cho học sinh Việt Nam, với tổng kinh phí lên tới 2,8 tỷ USD cũng dở dang, cho dù đã được ấp ủ từ 2012.
Thất bại trong nhiều dự định tại Việt Nam, nhưng ông Alan Phan lại khá nổi tiếng khi có mặt tại hàng loạt hội nghị, hội thảo, diễn đàn kinh tế trong nước với nhiều ý kiến, góc nhìn khá thẳng thắn và sâu sắc về những điểm mạnh - yếu của kinh tế nước nhà.
Ngoài vai trò một doanh nhân với 43 năm trải nghiệm tại khắp thế giới, ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi; viết bài cho GocnhinAlan và là cộng tác viên thân thuộc của Robb Report, Esquire, SaigonTimes, VietNamNet, Entrepreneur,...
Trong các chia sẻ của mình, Alan Phan cho rằng, các DN Việt Nam không nên quá tự ti về quy mô của mình. Tại các nước, từ quy mô nhò ban đầu đã mạnh dạn lên sàn quốc tế huy động vốn và sau này trở thành những DN có vốn hóa hàng tỷ USD. Thị trường quốc tế rất rộng lớn, thích hợp cho mọi loại doanh nghiệp. Còn đầu tư thì luôn cần phải chuyên nghiệp, có kế hoạch và cả sự may mắn.
H. Tú