1.jpg.jpg
Ảnh minh họa

Quy định mập mờ, nhà phát hành thờ ơ

Tại chương III, điều 9, khoản 8 của Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA về quản lý trò chơi trực tuyến có quy định: “Trong trường hợp muốn ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải báo cáo bằng văn bản với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Công an; thông báo trên trang chủ của trò chơi trước thời điểm dự kiến ngừng cung cấp dịch vụ ít nhất ba tháng và phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ...”

Đây là điều khoản duy nhất trong Thông tư 60 có nhắc đến quyền lợi của game thủ khi game đóng cửa, có điều nó lại quá mập mờ vì trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ ở đây lại không đề cập đến việc nhà phát hành sẽ làm điều đó như thế nào. Chính vì vậy, các nhà phát hành đã tỏ ra thờ ơ với quy định đó, trong tất cả các điều khoản cam kết với game thủ khi chơi game của mình, họ không đề cập đến một điều nào về quyền lợi của game thủ mà tất cả chỉ nhăm nhe đến việc xử lý game thủ khi họ vi phạm.

Bên cạnh đó, game đóng cửa, họ cũng bồi thường cho game thủ, nhưng lại theo kiểu có lẽ chỉ có ở Việt Nam, đó là bắt buộc game thủ phải chơi game khác của mình, nếu như họ muốn số tiền mặt mình nạp vào trong game còn sử dụng được. Còn nếu không chơi thì toàn bộ số tiền còn dư đó game thủ sẽ mất trắng, một cách làm có thể nói là có cũng như không.

Nhìn sang nước bạn

Nếu như ở Việt Nam quyền lợi game thủ hoàn toàn không có, thì ở hai quốc gia có nền công nghiệp game online phát triển mạnh ở Châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc mọi chuyện hoàn toàn khác.

Tại Trung Quốc, game thủ có thể kiện nhà phát hành một khi nhân vật và đồ đạc của họ bị khoá không lý do từ nhà phát hành hoặc mất do bug game. Khi một game online đóng cửa, nhà phát hành phải hoàn lại số tiền game thủ nạp vào game vẫn còn thời hạn sử dụng tính tới thời điểm đó. Từ năm 2009, ở nước này khi ăn cắp tài sản ảo cũng sẽ bị xét xử và kết án với tội danh trên và khi có sự tranh chấp giữa nhà phát hành với game thủ, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho game thủ nếu như họ bị thiệt.

Tại Hàn Quốc, quy định về quyền lợi game thủ cũng rất rạch ròi, đặc biệt là ở việc quy định về tài sản ảo, theo đó những item người chơi nhận được từ hệ thống sẽ thuộc sở hữu của nhà phát hành, còn những item người chơi bỏ tiền túi ra nạp thẻ để mua sẽ được nhà phát hành bảo hộ. Với việc quản lý game thủ bằng CMND nên việc này được thực hiện rất bài bản, đặc biệt có sự kết hợp giữa nhà phát hành game với chính phủ điện tử nên những vấn đề liên quan đến tài sản ảo là rất chặt chẽ. Khi một game online đóng cửa, nhà phát hành game tại Hàn Quốc sẽ hoàn trả lại những gì thuộc về game thủ vẫn còn giá trị trong game. Nếu như nhà phát hành làm không đúng quy định, gây bất lợi cho game thủ thì họ có thể bị kiện.

Rõ ràng có một sự trái ngược hoàn toàn trong quản lý game online ở Việt Nam và các quốc gia khác ở vấn đề quyền lợi của game thủ. Các cơ quan chức năng ở các nước khác sẵn sàng vào cuộc để bảo vệ cho người tiêu dùng (ở đây la game thủ) khi xảy ra tranh chấp, trong khi ở Việt Nam câu hỏi được đặt ra là ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho game thủ vẫn chưa có câu trả lời.

Nhắc đến quyền lợi của game thủ ở Việt Nam, thì những người chơi game đều lắc đầu, bởi họ chẳng có quyền gì. Nhà phát hành suy nghĩ theo kiểu “mày đồng ý quy định của tao thì chơi, không thì nghỉ, tao không cần”, game thủ chỉ có cách là muốn chơi game thì đánh dấu vào tôi đồng ý ở các quy định, xong rồi phó mặc cho nhà phát hành.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 77 ra ngày 28/6/2010.