“Mạng nhện” công trình ngầm
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, hệ thống cấp nước của TP hình thành từ cuối thế kỷ 19 từ lúc TP chỉ có 3 điểm dân cư độc lập là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, do Công ty Thủy điện CEE (Pháp) quản lý. Đến khoảng năm 2004, ngành cấp nước đầu tư thêm nhiều tuyến cống cấp nước từ nguồn vốn của ngân hàng thế giới (WB) cho các quận, huyện như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Nhà Bè, Cần Giờ...
Bên trong mỗi "lô cốt" là một... ma trận công trình hạ tầng kỹ thuật do thiếu quy hoạch. (Ảnh: Thái Phương). |
Song song đó, hệ thống thoát nước của TP cũng được hình thành cách đây 130 năm gồm các mương, cống thu nước mưa và thải ra ao hồ, kênh rạch đi qua địa bàn. Trước năm 1954, TP có khoảng 113km cống chủ yếu là cống vòm xây bằng gạch tập trung ở khu vực quận 1,3,5… Đến nay, ngoài hàng loạt tuyến cống đã được xây dựng. TP đang tiếp tục triển khai 4 dự án thoát nước quy mô lớn nhằm giải quyết thoát nước và cải thiện môi trường nước trên địa bàn 10 quận nội thành với diện tích trên 8.000 ha từ nguồn vốn ODA.
Vào đầu những năm 1990, ngành viễn thông đồng loạt xây dựng mới các tuyến cống ngầm trên nhiều tuyến đường của TP. Mấy năm trở lại đây, viễn thông tiếp tục tiến hành ngầm hóa cáp thông tin để cải thiện mỹ quan đô thị.
Riêng ngành điện lực, giai đoạn từ 1996 đến 2003 hàng loạt tuyến cáp ngầm cũng được xây dựng từ vốn vay của WB. Đến năm 2003, các tuyến cáp ngầm cao thế như tuyến cáp 220kv Nhà Bè – Tao Đàn, tuyến cáp 110kv Tao Đàn – Tân Định, Tao Đàn – Hòa Hưng… cũng được xây dựng.
Đáng nói, ngành nào cũng lo ngầm hóa công trình dưới lòng đất nhưng lại không có một quy hoạch không gian chung tạo thành “mạng nhện” công trình ngầm. Các tuyến cáp ngầm viễn thông, điện lực, hệ thống cống thoát nước, cấp nước… được lắp đặt không theo trật tự, chồng chéo, “tranh nhau” tận dụng mặt đường. Từ đó đến nay, chuyện “ông” điện đụng “ông” nước… đụng luôn “ông” viễn thông… xảy ra như cơm bữa khi “lô cốt” xuất hiện đầy đường ở Sài Gòn. Và khi “lô cốt” đi qua “hố tử thần” lại xuất hiện dày đặc!
Một Hố Tử thần xuất hiện trên đường phố TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh Thái Phương). |
“Mỗi sở, mỗi ngành quản lý một lĩnh vực khác
nhau từ điện, nước, viễn thông, cầu cống. Ông nào cũng… ngang cấp nhau nên
việc giải quyết sự cố rất khó. Chẳng hạn, chỉ riêng hệ thống cáp ngầm đường
Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã có tới 21 đơn vị quản lý” - ông Trường dẫn chứng.
Thiếu một “nhạc trưởng” cho công trình ngầm!
Tầm quan trọng của việc quy hoạch không gian ngầm (hệ thống hạ tầng kỹ thuật
như điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông…) đã được cụ thể hoá trong các
Luật Xây dựng, Nghị định 39 của Chính phủ về quy hoạch không gian ngầm đô
thị…
Thế nhưng đến nay, một “siêu đô thị” lớn như TP.HCM vẫn chưa có quy hoạch
không gian ngầm để các công trình ngầm chen nhau như “mạng nhện” khổng lồ
dưới lòng đất.
Hố tử thần mọc như nấm ở Sài Gòn buộc các nhà khoa học phải vào cuộc, dùng
máy để dò tìm. (Ảnh Thái Phương).
Một vị lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc kể lại, khi tuyến metro số 1 Bến
Thành - Suối Tiên được thiết kế xong, chuẩn bị khởi động mọi người mới ngã
ngửa vì tuyến metro này… đụng tuyến cáp ngầm 220kv Tao Đàn - Nhà Bè (tuyến
cáp ngầm lớn nhất TP).
Cách đó 10 năm, tuyến đường điện cao thế này được thiết kế xây dựng đi ngầm
dọc theo đường Bắc Nam qua Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Nghĩa về công viên
Tao Đàn. Cuối cùng, TP quyết định ngành điện lực phải làm lại đoạn đường này
và “nhường” cho metro số 1 xây dựng nhà ga.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến
trúc TP cho biết do ảnh hưởng của lịch sử để lại, sự phát triển của TP qua
nhiều giai đoạn có lúc được quản lý chặt chẽ nhưng có lúc lại phát triển tự
phát. “Điều này khiến các bản đồ đo vẽ hiện trạng về hạ tầng kỹ thuật, công
trình ngầm của ngành điện, cấp nước, thoát nước… bị thất lạc, mất, rách cũ
rất nhiều” - ông Hưng nói.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, hiện các sở ban ngành đang phối hợp lập đề
cương xây dựng Quy hoạch không gian ngầm cho TP. Ba tiền đề làm cơ sở cho
việc xây dựng không gian ngầm là việc quy hoạch 6 tuyến metro được Thủ tướng
phê duyệt; các tuyến đường ống nước cấp trọng yếu cấp 1,2 và đường dây điện
cao thế, trung thế của TP.
Nhiều chuyên gia cho rằng TP sớm có quy hoạch công trình ngầm, tránh sự lắp
đặt chồng chéo các lĩnh vực, tạo mỹ quan đô thị. Một “trung tâm chuẩn đoán
bệnh học mặt đường” mà cụ thể là một Quy hoạch không gian ngầm nhằm quản lý,
kiểm soát từng con đường, từng công trình ngầm sẽ là biện pháp triệt để giải
quyết vấn nạn “hố tử thần”.
Thái Phương