Tại Diễn đàn "Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương" do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức ngày 28/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, tài chính, kế toán và kiểm toán là những trụ cột quan trọng định hình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và khu vực.
Việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế và phát triển bền vững đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực chung từ các quốc gia trong khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác nghiên cứu và phát triển các giải pháp tài chính sáng tạo sẽ giúp giải quyết những thách thức chung mà các quốc gia trong khu vực đang đối mặt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Tại diễn đàn này, bà Helen Brand, Giám đốc điều hành ACCA toàn cầu chia sẻ ấn tượng bởi ý định nghiêm túc và có hệ thống của Chính phủ trong việc xây dựng nghề kế toán tại Việt Nam và cách mà Việt Nam hỗ trợ các tiêu chuẩn quốc tế và khung pháp lý. Điều này bao gồm việc thành lập các tổ chức chuyên nghiệp quốc gia, giúp các kế toán viên Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn chuyên nghiệp cao nhất.
Nhận xét về tác động của AI tạo sinh tới ngành kiểm toán, kế toán, lãnh đạo ACCA nhấn mạnh sự cần thiết phải tích hợp công nghệ vào ngành kế toán. Sự tham gia của AI và công nghệ mới trong quản lý dữ liệu và báo cáo bền vững là điều cần thiết để đối phó với lượng dữ liệu ngày càng tăng và phức tạp hơn.
Điều này đòi hỏi kế toán viên phải nâng cao kỹ năng và trình độ để có thể đóng góp hiệu quả trong môi trường kinh doanh hiện đại, nơi mà việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu là rất quan trọng. Các kế toán viên bây giờ cần phải suy nghĩ về vốn tự nhiên, họ cần phải suy nghĩ về vốn con người và hiểu ảnh hưởng mà doanh nghiệp của họ tạo ra đối với xã hội và nền kinh tế nơi họ làm việc.
Cũng tại diễn đàn này, ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng: Công nghệ mới hiện nay đối với khu vực còn nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là dữ liệu và việc quản trị dữ liệu sẵn có, trong khi phân tích và khai thác, quản trị dữ liệu vốn đã là một thách thức lớn. Chúng ta đều nghe tuyên bố của các Big Tech như Google, Amazon, Microsoft, nói về tầm quan trọng của dữ liệu và cơ hội tuyệt vời mà các dữ liệu mang lại.
Hiện có khoảng 500 tỷ USD đang nằm trong các giá trị dữ liệu có thể khai thác. Để khai thác và phân tích được dữ liệu đó, vai trò của kế toán viên là vô cùng quan trọng. Do đó, các tổ chức công và tổ chức tư phải có trách nhiệm cải thiện và nâng tầm kỹ năng cho đội ngũ kế toán viên, đào tạo để họ bắt nhịp được với các công nghệ mới và có thể khai thác, hạch toán dữ liệu tốt hơn.
“Một công nghệ mới xuất hiện là GenAI hay còn gọi là AI tạo sinh. Chúng ta luôn đặt ra câu hỏi là liệu AI tạo sinh có thể ảnh hưởng đến công việc của kế toán không? Câu trả lời là GenAI sẽ tác động đến mọi ngành nghề, gồm cả kế toán. Riêng với đặc thù ngành kế toán, GenAI mặc dù có thể tạo ra rủi ro nhưng sẽ hỗ trợ quản lý dữ liệu phức tạp, còn lại các kế toán sẽ tham gia nhiều hơn vào việc đánh giá và những công việc mà máy móc không làm được. Máy không hiểu được tính bảo mật, sự nhạy cảm của dữ liệu trong khi kế toán viên sẽ hiểu được”, ông Pulkit Abrol nói.
Với góc nhìn của mình, bà Helen chia sẻ, báo cáo nói về thách thức của ngành này trong tương lai và chúng tôi nhận thấy rằng AI là cơ hội cho thế hệ kế toán trong tương lai. Ngành kế toán đã trải qua rất nhiều việc áp dụng công nghệ khác nhau từ việc sử dụng máy tính đến hệ thống báo cáo hiện nay. Vì thế, bản thân các kế toán viên phải định nghĩa lại vai trò của mình. Kế toán phải là người tạo ra giá trị và AI không phải là thách thức mà là cơ hội để kế toán tạo ra nhiều giá trị hơn.