Thông tin trên được ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain (VBA) đưa ra tại sự kiện “Chào buổi sáng Việt Nam (GMVN)”, được tổ chức từ ngày 7-8/6 tại TP.HCM.
Nói về sự kết hợp giữa Blockchain và AI, ông Phan Đức Trung cho biết, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm AI MIT-IBM Watson và công ty Elliptic đã tạo ra một “thám tử AI” có khả năng phát hiện các giao dịch mờ ám liên quan đến tội phạm mạng. Họ đã cho mô hình AI này học dữ liệu từ hơn 200 triệu giao dịch Bitcoin, bao gồm cả những giao dịch liên quan đến ransomware và chợ đen. Kết quả cho thấy AI đã xác định chính xác 14 trong số 52 trường hợp rửa tiền, tương đương tỷ lệ chính xác gần 27%.
Theo ông Phan Đức Trung, hiện FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền) đang xếp Việt Nam vào “vùng xám” trong hoạt động rửa tiền, khi nhiều tiêu chuẩn của tổ chức này đưa ra Việt Nam vẫn chưa đạt được.
Ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 194/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó đáng chú ý ở hành động 6 đề cập đến việc “xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo (VA) và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ” và việc này phải được thực hiện vào tháng 5/2025.
Chính vì thế, trong thời gian qua, Hiệp hội Blockchain đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến về việc góp ý xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, cũng như việc bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo là một việc làm vô cùng cần thiết, đem lại lợi ích cho Nhà nước, bởi nếu vẫn thả nổi như hiện nay sẽ đem lại nhiều bất cập và bị động trong công tác quản lý.
Theo thống kê của Chainalysis, Việt Nam nằm thứ 3 về chỉ số chấp nhận tiền mã hoá; dân số sở hữu tài sản ảo hơn 20 triệu người. Một báo cáo khác của Tripple A, 85% những người làm freelance (làm nghề tự do) sở hữu tiền mã hoá và 34% chấp nhận thanh toán chi phí bằng hình thức này. Trong khi đó, theo thống kê đến cuối tháng 7/2023, dòng tiền đổ vào tài sản ảo tại Việt Nam khoảng 120 tỷ USD, gấp 5 lần vốn FDI; tuy nhiên, việc chưa có khung pháp lý và quy định cụ thể về các loại tài sản ảo, mã hoá khiến hoạt động này vẫn đang nằm trong khu vực “kinh tế ngầm”.