- Mẹ tôi làm công nhân trong KCN tỉnh Đồng Nai được 5 năm thì xin nghỉ để đi lao động xuất khẩu, nhưng mẹ tôi không có hợp đồng lao động hay giấy tờ định cư mà chỉ có hộ chiếu xuất cảnh, giống như đi du lịch.
Mẹ tôi đi từ tháng 4/2015 đến nay đã được gần 1 năm. Xin hỏi trường hợp của mẹ tôi có rút được tiền bảo hiểm một lần không, cần làm những thủ tục gì? Nếu không về được thì có được ủy quyền cho tôi nhận hộ không hay phải đợi mẹ tôi trở về?
Ảnh minh họa |
Tư vấn luật sư:
Thứ nhất: Điều kiện được hưởng BHXH 1 lần.
Theo quy định tại Nghị quyết số: 93/2015/QH13 Điều 1.
1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trường hợp mẹ bạn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Thứ hai: Căn cứ khoản 12 Điều 25 Quyết định 01/QĐ-BHXH ngày 3 tháng 1 năm 2014 sửa đổi bổ sung bởi Quyết định 919/QĐ-BHXH ngày 26 tháng 8 năm 2015: Người lao động, thân nhân người lao động có thể trực tiếp hoặc nhờ người khác thay mình nộp hồ sơ để đề nghị giải quyết hưởng BHXH nhưng phải trực tiếp nhận kết quả giải quyết và tiền hưởng bảo hiểm xã hội; trường hợp không có điều kiện nhận trực tiếp thì phải ủy quyền ( giấy lĩnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mẫu số 18- CBH ban hành kèm theo Quyết định 488/QĐ-BHXH ngày 23/5/2012 của BHXH Việt Nam về quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội hoặc hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền khác theo quy định của pháp luật).
Trường hợp này, do mẹ của bạn đi xuất khẩu lao động khi nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại nơi cư trú của người ủy quyền. Nơi cư trú ở đây có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú. Khi làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo ủy quyền, cần lưu ý những điều sau:
Thứ nhất, Đối với giấy ủy quyền thì nội dung trong giấy ủy quyền là đi nộp hồ sơ và nhận tiền trợ cấp BHXH một lần, đơn nhận trợ cấp BHXH một lần vẫn phải do người lao động trực tiếp viết và ký tên (Mẫu 14-HSB mẫu đơn quy định cho bản thân người lao động có tên trên sổ BHXH – là đối tượng được hưởng trợ cấp BHXH một lần thì phải viết đề nghị và ký tên)
Thứ hai, bạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú của mẹ bạn tức là người ủy quyền. Đồng thời bạn là người được ủy quyền khi đi nhận bảo hiểm xã hội một lần cần có các giấy tờ sau:
-Một là: chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu ( hoặc giấy tờ chứng minh tạm trú của mình ) để cơ quan bảo hiểm xã hội đối chiếu với thông tin ( trong đó có nơi thường trú hoặc tạm trú của bạn) trên giấy ủy quyền.
– Hai là hồ sơ bao gồm : Sổ BHXH, đơn đề nghị hưởng BHXH một lần (mẫu số 14 -HSB) và giấy tờ ủy quyền hợp lệ theo quy định của pháp luật
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc