Đến Myanmar thời gian này, khách viếng thăm cảm nhận được quốc gia Đông Nam Á này đang trong giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ, như cách nói của một nhà báo bản xứ: chúng tôi đang ở trong một thời điểm lịch sử.
Nền kinh tế "trinh nguyên"
Là câu chữ của Tiến sĩ Maung Maung Lay, Phó chủ tịch Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar (UMFCCI). 'Sau mấy năm mở cửa, Myanmar vẫn đang trong tình trạng nguyên sơ, giống như một người đẹp đang ngủ, chờ các hoàng tử đến đánh thức', ông Lay ví von.
Đến với 'người đẹp đang ngủ' thời gian này, khách viếng thăm cảm nhận được quốc gia Đông Nam Á này đang trong giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ, như cách nói của một nhà báo bản xứ: chúng tôi đang ở trong một thời điểm lịch sử.
Thời điểm ấy không chỉ được cảm nhận ở Myanmar, mà trên các tiêu đề của các tờ báo lớn trên toàn thế giới. Việc mở cửa cùng những thay đổi mạnh mẽ ở đây không chỉ thu hút các chính trị gia, các nhà hoạt động - phân tích quốc tế, mà còn thu hút một số lượng lớn các nhà đầu tư.
'Hãy đến Mymamar nhanh lên..." là lời thúc giục của những người thích du lịch. Bởi đây gần như là nơi duy nhất trong khu vực, có thể trên thế giới, còn nguyên sự nguyên sơ bản địa.
Hầu như chưa có những biển hiệu nhấp nháy chào mời, chưa có những nhãn hiệu với đủ các thứ tiếng, chưa có những nét văn hóa pha tạp.. như thường thấy ở các thành phố khác. Nhiều thập kỷ đóng cửa đã khiến Myanmar trở thành một ốc đảo xa lạ trong xu thế toàn cầu hóa, nhưng đó cũng chính là sự khác biệt của 'người đẹp đang ngủ'.
Quảng cáo sản phẩm Việt Nam trên đường phố Yangon. Ảnh: Hoàng Hường |
Từ năm 2008, khi lần đầu tiên những thay đổi nội tại và cánh cửa mở ra với cộng động quốc tế. 'Người đẹp' bắt đầu cựa mình. Đã thấy trên thùng những chiếc xe lam, xe tải, xe chở khách chật người, hình ảnh quen thuộc ở Myanmar những dòng chữ: Made in Germany, Made in China..
Các nhà đầu tư từ Đông sang Tây, như cách ví von của ông Phó chủ tịch, giống như các hoàng tử đang trên đường đua đến đánh thức nàng công chúa.
Một dấu hiệu đáng mừng, 'chàng' Việt Nam đã tham gia vào cuộc đua khá sớm. 'Chàng' xuất hiện trong phòng khách sạn, trong trụ sở cơ quan với điện thoại, thiết bị văn phòng, và thương hiệu Lioa trên thùng xe tải.
Theo ông Maung Maung Lay, đến thời điểm này, Việt Nam đang là một trong những đối tác kinh tế chính của Myanmar. Myanmar nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam, trong đó chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng và sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, sắt thép các loại, phương tiện vận tải.... trong đó mặt hàng sản phẩm từ sắt thép chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ngược lại, Myanmar xuất khẩu sang Việt Nam gỗ và sản phẩm, hàng rau quả, hàng thủy sản.
Ông Lay cũng cho biết nước này đang tích cực chuẩn bị cho việc Myanmar gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - ASEAN Economy Community (AEC) được ấn định vào năm 2015. Trong đó, mũi nhọn kinh tế chính của Myanmar sẽ là sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên ông Lay cũng cho rằng Myanmar "chưa sẵn sàng" năng lực cạnh tranh trong cộng đồng kinh tế này vì khoảng cách tụt hậu xa. "Cá ở Myanmar chết vì già nhiều lắm", ông đùa về ngành công nghiệp khai thác thủy sản lạc hậu của đất nước.
Pyaf Sonf Do, thạc sĩ kinh tế tốt nghiệp tại Canada, hiện là Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo cho biết, hiện thị trường xuất khẩu chính của Myanmar là Châu Phi và nước Châu Á như Indonesia. Mục đích Myanmar muốn nhắm tới trong một thập niên tới là tấn công thị trường Mỹ và và Châu Âu.
"Chúng tôi biết mong muốn này không dễ dàng, trước mắt chúng tôi là những thử thách lớn, trong đó hai đối thủ lớn không dễ vượt qua trong lĩnh vực xuất khẩu gạo là Việt Nam và Thái Lan, vốn đã chiếm thị phần lớn trên thế giới. Chúng tôi sẽ đi theo con đường khác", Pyaf nói. Anh chỉ rõ hơn sẽ tập trung vào việc cạnh tranh chất lượng gạo và đào tạo nông dân tiếp cận với những công nghệ và giống lúa tiên tiến.
"Chúng tôi muốn giành lại vị trí vựa lúa Đông Nam Á (Southest Asia's rice bowl)"
Trong những năm giữa thế kỷ XX, Myanmar đã từng là một trong những quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn trong khu vực.
Tiến sĩ Maung Maung Lay, Ảnh: Hoàng Hường |
Máy bay đã đáp, visa vẫn trên trời
Myanmar đang trong giai đoạn chuẩn bị cho quá trình hội nhập, một trong những việc đầu tiên chính phủ nước này ưu tiên giải quyết là chính sách visa, cửa ngõ để các nhà đầu tư đến dễ dàng hơn. Nhưng như ông Lay nói: đến với chúng tôi bây giờ, hãy ngắm những cái sân bay, đừng nhìn đường phố, đừng nghĩ visa.
Cách nói hóm hỉnh của ông để chỉ 'sân bay là nơi hiện đại, tiên tiến nhất đất nước'. Hiện Myanmar đã có hai sân bay quốc tế tại Yangon, thủ phủ kinh tế, và thành phố Mandalay, tuy nhiên theo ông Lay, sân bay này sẽ sớm quá tải.
Chính phủ Myanmar đã phê duyệt một dự án 1,1 tỷ USD với Hàn Quốc để xây dựng sân bay quốc tế Hanthawaddy, nằm cách trung tâm Yangon khoảng 80 km về phía Đông Bắc, sẽ có khả năng tiếp đón khoảng 12 triệu hành khách/năm, sẽ hoạt động từ năm 2018.
Hiện đã có chục hãng hàng không quốc tế và khu vực như Nok Air, Air Asia, Condor, China Eastern Airlines..vv.. đã và sẽ khai thác "mỏ vàng" Đông Nam Á này.
Đến thời điểm gần đây, các nhà đầu tư đã bớt các 'vác những bao tải tiền' vì hệ thống ngân hàng sơ khai ở đây và vài dịch vụ thương mại mới chấp nhận các thẻ tín dụng, cần một thời gian nữa để phát triển và hoà nhập. BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên nhanh chân đầu tư ở Myanmar từ năm 2011.
Nhưng bất chấp quốc gia Chùa Vàng đang trở thành điểm đến du lịch mới mẻ hấp dẫn của Châu Á và thế giới, cũng như thị trường đầy tiềm năng của các thương gia, thì đến được với quốc gia này vẫn còn những nhiêu khê.
Myanmar đang xem xét miễn visa cho công dân các nước khối ASEAN, nhưng đến thời điểm này chính sách vẫn chưa được áp dụng, chưa kể những thủ tục nhập cảnh nhiêu khê "cồng kềnh và không thực tế", như Tạp chí du lịch thương mại TTR Weekly nhận xét.
Ở mặt khác, dù đã bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí và tuyên bố tự do ngôn luận, nhưng các nhà báo quốc tế vẫn gặp chút trở ngại khi xin visa vào Myanmar.
Tờ này cho rằng Myanmar muốn hội nhập nhanh với nền kinh tế thế giới, những thủ tục này cần được đơn giản hoá, càng sớm càng tốt.
(Còn tiếp)
Hoàng Hường