IS sẽ vẫn còn tồn tại và phát triển chừng nào các nhà nước, giới tinh hoa và các ông chủ ngân hàng tiếp tục tài trợ cho lực lượng giết người hàng loạt này.
Các tay súng của IS giương cờ khi đi lại trên đường phố Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters |
Chỉ trong vài tháng, IS đã tăng tốc các mục tiêu với nhịp độ nhanh và triệt để. Mặc dù mới được biết đến nhiều vào năm 2013, nhưng việc đánh bại mạng lưới khủng bố tinh vi và phức tạp này ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong tương lai trước mắt.
Điều này một phần là do việc IS nhanh chóng mở rộng trên khắp lãnh thổ Iraq và Syria, cũng như tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, lôi cuốn nhiều cá nhân phương Tây gia nhập tổ chức này hơn hẳn so với các nhóm khủng bố khác.
Vậy IS lấy tiền ở đâu? Những sự việc gần đây cho thấy rõ nền tảng tài chính của IS trước tiên dựa vào dầu mỏ. Theo trang Security Observer, IS kiểm soát các khu vực có trữ lượng dầu lớn ở Iraq và Syria, rồi buôn lậu sang các nước láng giềng, và kiếm được hơn 1 triệu USD mỗi ngày.
Trong một thời gian ngắn, những hoạt động này chủ yếu thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ (nhưng đang gặp nhiều khó khăn bởi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng các biện pháp chặt chẽ để ngăn việc buôn lậu này).
Các cuộc không kích của Mỹ đã khiến sản lượng và vận chuyển dầu của IS giảm mạnh, từ 70.000 thùng hồi tháng 8, xuống 20.000 thùng vào giữa tháng 10.
Tiền thu từ dầu mỏ chỉ là ‘phần nổi trong tảng băng chìm’ trong kho bạc của IS. Trên thực tế, đã có rất nhiều thông tin cảnh báo cũng như nghi vấn đặt ra với những người bảo trợ cho IS.
Tại hội nghị G-20 mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một thông tin mà bấy lâu nay các quốc gia cũng như truyền thông phương Tây né tránh. Ông Putin nói rằng, IS nhận tiền từ 40 quốc gia khác nhau, trong số đó có cả quốc gia thuộc thành viên G-20.
Khi điểm danh các nhà tài trợ cho IS, không ai có thể bỏ qua Qatar khi mà mối liên hệ giữa nước này và IS đang bị chú ý đặc biệt.
Trang Security Observer cho hay, Qatar có rất đông các nhà cung cấp, hoặc những người giàu tiền bạc được cho là đã đóng góp vào sự tăng trưởng của IS. Cùng với Ảrập Xê-út, Qatar đã tài trợ cho các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan trong quá khứ một cách mờ ám.
Qatar sẽ không muốn làm hỏng quan hệ với Mỹ cũng như các nước láng giềng đồng minh khi tài trợ cho các nhóm khủng bố, nhưng vấn đề là các chính sách chống khủng bố của chính quyền Qatar lại không đạt được các mục tiêu kỳ vọng.
Với nhiều người, điều mà ông Putin nói không có gì mới mẻ. Theo tiết lộ của WikiLeaks, từ năm 2010, Bộ Ngoại giao Mỹ (thời Ngoại trưởng Hillary Clinton) đã biết rõ số tiền chảy vào túi chủ nghĩa khủng bố nước ngoài ở đâu mà có. Số tiền đó có được do nhiều nước bỏ ra, chứ không phải từ niềm tin nào cả.
Theo đó, những nước cấp tiền cho khủng bố đều là nước có chủ quyền, chứ không phải là một tôn giáo có tổ chức, từ các chính trị gia chứ không phải từ các giáo sĩ (ít nhất là không trực tiếp).
Ảrập Xê-út là nước cấp nhiều tiền nhất cho các nhóm phiến quân Hồi giáo, chẳng hạn như Taliban (Afghanistan) và Lashkar-e-Taiba. Nhưng theo bà Clinton, thì chính phủ Ảrập Xê-út lại miễn cưỡng ngăn dòng tiền này.
“Cần phải làm nhiều việc hơn nữa khi mà Ảrập Xê-út vẫn là cơ sở hậu thuẫn tài chính then chốt cho al-Qaeda, Taliban, LeT và các nhóm khủng bố khác” – trích một tài liệu hồi tháng 9/2009 mà Ngoại trưởng Mỹ đóng dấu ‘mật’.
Bản ghi nhớ của bà Clinton hối thúc các quan chức ngoại giao Mỹ nỗ lực gấp đôi để ngăn dòng tiền từ Vùng Vịnh tới tay những kẻ cực đoan ở Pakistan và Afghanistan.
“Những nhà tài trợ ở Ảrập Xê-út trở thành nguồn cung tài chính đáng kể cho các nhóm khủng bố (Hồi giáo) dòng Sunni” – bà Clinton nói. Ba quốc gia Ảrập khác cũng được liệt vào danh sách các nguồn tài trợ tiền cho phiến quân là: Qatar, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE).
Các đường dây này cho thấy rõ một nhân tố thường bị bỏ sót trong các cuộc xung đột ở Pakistan và Afghanistan, đó là bạo lực được người tài trợ giàu có, bảo thủ trên khắp biển Ảrập tài trợ một phần, và chính quyền của họ chẳng làm được gì để ngăn việc này lại.
Vậy nên, dù cho các quân đội nước ngoài mang bao nhiêu súng ống tới Iraq hay Syria, thì vấn đề cốt yếu là tất cả những biện pháp các bên đang áp dụng để tiêu diệt IS đều không thể hiệu quả, trừ khi ‘nguồn sống’ của IS phải được loại bỏ hoàn toàn.
Lê Thu