Nhiều chuyên gia quy hoạch, xây dựng cho rằng, để xảy ra tình trạng khu đô thị (KĐT) liên tục thay đổi quy hoạch làm tăng quy mô dân số, xây dựng không đúng quy hoạch là lỗi của cơ quan quản lý. Và, ngày càng có nhiều dự án được thay đổi quy hoạch theo hướng có lợi cho chủ đầu tư.

{keywords}

Khu nhà thế giới trẻ thơ KĐT Mỗ Lao bị biến thành khu liền kề cho thuê.

Chưa nâng được chất lượng cuộc sống

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội phân tích, việc chủ đầu tư khu KĐT mới liên tục điều chỉnh quy hoạch, thay đổi quy mô dân số, diện tích xây dựng phải xem thời điểm duyệt thay đổi quy hoạch. Trong quy định được phép điều chỉnh quy hoạch khi có diễn biến khác về kinh tế xã hội, đặc biệt là quy hoạch chung.

“Đối với Hà Nội, sau khi mở rộng năm 2008 và 2011 đã duyệt quy hoạch chung, vừa rồi kết thúc 2015 có đủ quy hoạch phân khu, việc điều chỉnh quy hoạch có thể xem xét chấp thuận, nhưng phải phù hợp điều chỉnh với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Hà Nội. Tất cả những điều chỉnh trước đó đều phải xem xét lại”, ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, hiện, các KĐT mới, nhà nước đổi mới hoàn toàn về phát triển đô thị. Trong đó, vấn đề quan trọng là đảm bảo kết cấu hạ tầng (đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội: trường học, nhà trẻ...). Khi đã xác định yếu tố dân số cơ bản nhất khu đô thị, chủ đầu tư phải đảm bảo về hạ tầng xã hội.

Trong trường hợp điều chỉnh tăng dân số, hạ tầng xã hội phải tăng chứ không giảm đi. Riêng đối với Hà Nội, phải chú trọng nâng cao chất lượng sống và tăng trường học tiêu chuẩn quốc gia, chỉ tiêu tính toán phải tăng lên. Ví dụ, bình quân quy hoạch trường học quốc gia chuẩn: 1 học sinh 15m2 đất nhưng Hà Nội vừa qua chỉ tính 9m2/học sinh.

“Điều chỉnh quy hoạch không chỉ là cơ quan quản lý đưa ra, phải có ý kiến cộng đồng (tổ chức xã hội, cư dân khu đô thị). Vậy, chủ đầu tư và nhà quản lý suy nghĩ thế nào về vấn đề này, có sự móc nối nào không? Trong khi yêu cầu cần có nhiều trường học, sân chơi nhưng lại điều chỉnh tăng dân số lên, giảm khu đất này đi.

Vậy, Hà Nội đang nâng cao chất lượng sống của người dân hay giảm dần chất lượng sống của người dân. Ông Nghiêm cho rằng, quy hoạch hiện chưa gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện. “Có quy hoạch nhưng phải hiểu quy hoạch là định hướng với tầm nhìn dài 10-20 thậm chí 30 năm. Cùng với quy hoạch phải chú trọng phân đợt xây dựng và phải gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện chứ không phải 1 đợt ngắn làm được ngay”, ông Nghiêm nói.

Lợi ích nhóm?

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050.

Như vậy, mục tiêu phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư. Thế nhưng, gần đây, các cao ốc lại thi nhau mọc lên, tình trạng tự ý nâng chiều cao cao ốc diễn ra phổ biến, thậm chí ngay ở các khu vực trung tâm thành phố và KĐT mới.

“Còn tiếp tục cơ chế xin – cho, khi người xin và người cho đều có lợi, và có nhóm lợi ích, dẫn tới tình trạng quá tải. Như vậy là quy hoạch có vấn đề mà xây dựng, tổ chức thực hiện cũng lại có vấn đề. Xét cho cùng người lãnh đạo của thành phố, của quận về xây dựng phải chịu trách nhiệm”, ông Hùng nói.

Ông Hùng nhấn mạnh, chính quyền thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý xây dựng theo quy hoạch, doanh nghiệp lại đua nhau chạy theo lợi nhuận mà không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Nhiều KĐT mới mặc dù đã bán gần hết nhà, người dân đã vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ không làm vườn hoa, sân chơi...

Theo Tiền phong