Được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) năm 2013, Elvira Nabiullina đã góp sức giữ cho nền kinh tế Nga trụ được trước nhiều thách thức, đặc biệt là từ khi nước này đối mặt với cấm vận phương Tây và giá dầu sụt giảm.
Theo tạp chí The Economist, trong nhiều năm, người phụ nữ sinh năm 1963 này là trung tâm một sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Nga.
Elvira Nabiullina là cánh tay phải của Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters/RIA Novosti) |
Khi Vladimir Putin đắc cử Tổng thống năm 2000, ông tuyên bố sẽ đưa nước Nga thoát khỏi tình cảnh hỗn loạn những năm 1990. Nhưng nói về kinh tế thì Putin "không có nhiều ý tưởng rành rọt", The Economist dẫn lời cựu Bộ trưởng Kinh tế Yevgeny Yasin nhận xét. Do vậy, ông giao phó chính sách kinh tế cho một nhóm chuyên gia có quan điểm chính thống, trong đó có Nabiullina.
Từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Kinh tế năm 2000, Bộ trưởng Kinh tế năm 2007 và là cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ tháng 5/2012 đến tháng 6/2013, Nabiullina cho biết, quá trình công tác này có "ảnh hưởng nhiều nhất" đến cách thức bà tiếp cận nền kinh tế.
Năm 2014, bà được tạp chí danh tiếng toàn cầu Forbes xếp vào vị trí người phụ nữ quyền lực thứ 72 trên thế giới.
Cuộc khủng hoảng 2008-2009, với tình trạng giá dầu lao dốc còn kinh tế èo uột, đã phơi bày thực tế là nền kinh tế Nga phụ thuộc nặng vào các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi họ thoái vốn, CBR đã nỗ lực nâng đỡ giá trị đồng Rúp, thiệt hơn 200 tỷ USD dự trữ ngoại hối chỉ trong vài tháng. Hoạt động cho vay giảm mạnh trên cả nước. Năm 2009, GDP của Nga giảm 8%.
Điều này khiến Nga phải thực hiện hai đợt cải cách, chuẩn bị cho một cú lao dốc nữa không thể tránh khỏi của giá dầu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. (Ảnh: Bloomberg) |
Trước tiên, nước này đa dạng hóa các nguồn quỹ. Điển hình năm 2003, các nhà quản lý cho phép Euroclear và Clearstream, hai trung tâm lưu ký chứng khoán quốc tế, buôn bán một số loại trái phiếu nhất định của Nga. Điều này giúp thu hút các nhà đầu tư cấp thể chế muốn mua các tài sản giá rẻ.
Với sự giám sát của bà Nabiullina đối với thị trường đầu tư trong nước của Nga, một nguồn quỹ ổn định khác cũng được khai thác. Phần công nợ của Nga do trong nước nắm giữ tăng từ 66% lên 70% chỉ tính riêng năm 2013.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính tài sản các quỹ lương hưu của Nga - dưới sự điều chỉnh của CBR - sẽ tăng từ 60 tỷ USD hiện nay lên khoảng 200 tỷ USD năm 2020. Chính sự đa dạng hóa quỹ tài chính khiến cho nền kinh tế Nga đỡ thiếu vốn hơn trước.
Năm 2015, GDP giảm 4%, chứng tỏ năng lực tốt hơn hồi năm 2008-2009 dù giá dầu giảm sâu hơn.
Sự thay đổi lớn thứ 2 về chính sách kể kể từ năm 2008-2009 liên quan đến các quỹ dự phòng quốc tế của Nga. Chúng tăng thêm 140 tỷ USD năm 2009-2013 lên hơn 500 tỷ USD (chiếm khoảng 1/5 GDP) nhờ giá dầu cao. Chủ trương này đã góp phần giúp cho nước Nga đủ năng lực theo đuổi một chính sách cứng rắn với phương Tây, không cần đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải cứu trợ như hồi năm 1998.
Để duy trì các quỹ dự trữ này khi giá dầu bắt đầu giảm, Nabiullina triển khai một kế hoạch cho phép thả nổi đồng Rúp. Đồng tiền Nga đã giảm 40% giá trị trước đồng đôla Mỹ trong năm 2015. Thông thường trợ giá cho đồng rúp sẽ giữ được sức mua cho Nga nhưng làm như vậy tức là "đốt" các quỹ dự phòng lần nữa. Và CBR quyết định rót đôla cho các ngân hàng và công ty năng lượng bị cấm vận, giúp cho họ thanh toán được nợ bên ngoài. Các quỹ dự trữ còn được dùng để bù đắp thâm hụt ngân sách. Khi giá dầu phục hồi, CBR lại ngay lập tức tích lũy dự trữ, với mục tiêu đạt mốc 500 tỷ USD một lần nữa.
Đồng Rúp mất giá làm tăng lạm phát, vì xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Và kết quả là, tiền lương thực sự giảm 10% kể từ 2014. Lãi suất - năm 2014 lên tới 17% - trở thành công cụ du nhất cho CBR dùng ngăn đồng Rúp trượt giá. Lãi suất cao cũng giúp hạn chế lạm phát, hiện là 7% xuống mục tiêu 4% mà CBR đặt ra.
Những quyết định kể trên "phản ánh năng lực của ngân hàng đã làm điều đúng cho đất nước bất chấp tình hình chính trị", báo Economist dẫn đánh giá của Birgit Hansl thuộc Ngân hàng Thế giới.
Những bước như vậy là "đau đớn, nhưng cần thiết", bà Nabiullina khẳng định và nhấn mạnh rằng sự suy giảm kinh tế của Nga "chủ yếu là do các yếu tố cấu trúc". Những gì khiến nữ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga lo lắng nhất không phải giá dầu thấp kéo dài mà là Nga có thể cải thiện môi trường kinh doanh "nhanh và năng động tới mức nào".
Thanh Hảo
Thế giới 24h: Putin gặp câu hỏi khó Tổng thống Nga Vladimir Putin đối thoại marathon với người dân; Quốc hội Ukraina bổ nhiệm tân thủ tướng; Hải quân Mỹ tuần tra chung với Philippines trên Biển Đông. Putin trả lời thẳng thắn về quan hệ với vợ cũ Trong cuộc đối thoại trực tuyến lần thứ 14 với người dân, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi về kinh tế, chính trị cũng như đời tư của mình. Bên trong tiệm cà phê Putin ở Nga Bạn có thể tìm thấy cả thế giới của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong quán cà phê này. |