Chỉ có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành theo đúng một “màu” duy nhất của pháp luật, đó là sự nghiêm minh, thì màu của biển số xe không còn quan trọng nữa.
Tuần qua, ý kiến đề xuất nên đồng nhất màu biển hiệu xe ô tô đã khiến dư luận thêm một lần “dậy sóng”. Người đề xuất cho rằng cần tạo sự công bằng cho các loại xe cùng lưu thông trên đường vì xe nào cũng cần tuân thủ pháp luật. Trước ý kiến này, đa phần người dân tỏ ra ủng hộ và hào hứng.
Vậy vì sao chỉ là màu của biển số xe lại liên quan đến sự công bằng? Điều đơn giản này có lẽ bất kỳ ai cũng ngầm hiểu, các loại xe công được gắn biển xanh, biển đỏ… thường đại diện cho những người làm “công cán”, có chức sắc đang lưu thông trên đường. Và với những nhân vật như thế thì thường có “uy quyền” ẩn nào đó, nếu “động chạm” vào có thể sẽ rất phiền toái.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc xe ô tô biển xanh, biển đỏ được bỏ qua sai phạm. Điều này dẫn tới việc có những chiếc xe mang biển xanh, biển đỏ giả… để thực hiện hành vi bất chính đã dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát.
Xóa biển xanh, biển đỏ do chính một cán bộ trong ngành giao thông đề xuất, cho thấy có thể những cán bộ xử lý vi phạm giao thông cũng đã phải chịu rất nhiều áp lực khi xử lý vi phạm của “biển xanh, biển đỏ”. Cái khó ở đây không phải là không có chế tài, bởi trong Luật An toàn giao thông, chắc chắn không có điều khoản nào nhắc tới màu biển số nào được ưu ái. Cái khó ở đây có thể là những vấn đề “tế nhị” mà chính họ cũng không thể chia sẻ đầy đủ, cụ thể về các vụ việc, danh tính người đi xe biển xanh, biển đỏ đã vi phạm và được “bỏ qua”. Đề xuất nói trên cũng như những ý kiến ủng hộ đề xuất này thể hiện bức xúc của xã hội bấy lâu nay đối với nhiều người điều khiển xe biển xanh, biển đỏ.
Trở lại với chuyện màu sắc của biển số xe, chúng ta đều hiểu rằng, không có chiếc xe nào hay biển số của chiếc xe nào vi phạm giao thông, mà là người điều khiển chiếc xe ấy. Những vi phạm của xe công được bỏ qua cho thấy việc thực thi pháp luật chưa thực sự nghiêm. Cán bộ giải quyết vi phạm giao thông còn cả nể, lơ là, dẫn tới bỏ qua vi phạm. Xét về góc độ tuân thủ luật pháp, các cán bộ này đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Đề xuất xóa bỏ biển xanh, biển đỏ có lẽ cũng chỉ là sự thể hiện bức bối nhất thời. Còn xét về mặt khoa học, càng nhiều màu sắc nhận dạng, việc quản lý càng dễ. Điều quan trọng là các loại xe lưu thông trên đường đều phải bình đẳng trước pháp luật. Tất cả xe vi phạm Luật An toàn giao thông đều phải được xử lý đúng người, đúng vi phạm.
Chỉ xử nghiêm, xử đúng mới chấm dứt được tình trạng phân biệt đối xử với biển số của các loại xe. Tuy nhiên, bởi những “tiền lệ” bất thành văn về xe biển xanh, biển đỏ tồn tại từ rất lâu, nên để đưa nó trở lại “quỹ đạo” của các quy định Luật pháp thì không chỉ có cảnh sát giao thông phải tăng cường xử lý mà có lẽ Bộ Công an cũng cần vào cuộc, yêu cầu xử lý nghiêm tất cả các vi phạm. Các cơ quan chức năng có xe ô tô biển xanh, biển đỏ cũng nên quán triệt cán bộ lái xe của mình về việc sống và làm việc theo pháp luật.
Chỉ có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành theo đúng một “màu” duy nhất của pháp luật, đó là sự nghiêm minh, thì màu của biển số xe không còn quan trọng nữa.
Mộc Miên/ theo Đại biểu Nhân dân
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt