1.jpg
Các cuộc biểu tình chính trị là lý do khiến chính phủ Ai Cập đóng cửa dịch vụ Internet và điện thoại di động.

Giới chức Ai Cập đã lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ di động "tắt toàn bộ hệ thống mạng", Vittorio Colao, giám đốc điều hành Vodafone Group, tập đoàn sở hữu 55% nhà mạng di động lớn nhất của Ai Cập, Vodafone Egypt cho hay.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào ngày thứ Sáu vừa qua, ông Vittorio Colao nói rằng yêu cầu đóng cửa dịch vụ di động là hợp pháp theo luật của Ai Cập nhưng ông hy vọng chính phủ nước này sẽ sớm để các mạng hoạt động trở lại.

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động ở Ai Cập gồm cả Vodafone dựa trên hạ tầng của Telecom Egypt - nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định phần lớn là sở hữu nhà nước - để triển khai một phần dịch vụ của họ.

Trên thị trường Internet, Ai Cập hiện có hàng chục nhà cung cập dịch vụ nhưng phần lớn thị trường này thuộc về 5 nhà cung cấp lớn, trong đó có Telecom Egypt.

Bắt đầu từ 10 giờ 12 phút tối thứ Năm (ngày 27/1/2011) theo giờ địa phương, Telecom Egypt đóng cửa hệ thống mạng, kéo cả 4 nhà mạng lớn khác cũng "chết' theo sau đó khoảng 13 phút,  Jim Cowie, giám đốc công nghệ của công ty bảo mật Renesys Corp nói. Và đến khoảng 10 giờ 25 phút tối hôm đó, cả nước Ai Cập không còn tồn tại Internet.

Nhiều quốc gia khác như Myanma vào năm 2007 và Trung Quốc, Iran vào năm 2009 cũng đã từng đóng cửa dịch vụ Internet và di động để ngăn chặn bạo động chính trị leo thang. Nhưng cách đóng cửa Internet và di động của Ai Cập là chưa từng có ở cả khía cạnh quy mô và sự đồng bộ, đặc biệt là với quốc gia có hạ tầng mạng tiên tiến với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp.

"Điều bất ngờ là họ không chỉ đóng cửa một tên miền hay chặn một website nào đó mà họ đã đóng cửa toàn bộ hệ thống Internet", ông Cowie nói.

Ở Iran, sau khi xuất hiện chiến dịch kêu gọi biểu tình trên các trang mạng xã hội như Twitter và Facebook vào thời điểm diễn ra chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2009, chính phủ nước này đã lọc và kiểm duyệt Internet nhưng vẫn cho nó hoạt động mặc dù tốc độ rất chậm. Cũng trong năm đó, giới chức Trung Quốc đã đóng cửa Internet để đối phó với bạo động chính trị nhưng điều này chỉ áp dụng với một tỉnh.

Trong các cuộc biểu tình ở Myanma vào năm 2007, giới chức chính phủ đã đóng cửa Internet nhưng kết nối di động vẫn được duy trì, cho phép những kẻ phản đối vẫn có thể gửi ảnh ra bên ngoài thông qua điện thoại di động.

Trong khi đó, Ai Cập đóng cửa toàn bộ các kết nối Internet và điện thoại di động ở quốc gia này, chỉ trừ có dịch vụ điện thoại cố định và các dịch vụ liên lạc vệ tinh là còn hoạt động.

Các dịch vụ Internet quốc tế đã lập tức giảm mạnh lưu lượng truy cập từ Ai Cập. Một quản lý của Facebook cho biết lưu lượng của mạng xã hội này đã "giảm hoàn toàn" lưu lượng truy cập từ Ai Cập vào ngày thứ 5 và đến thứ 6 vừa qua thì có nhích lên chút ít. Người phát ngôn của Google ở Ai Cập nói hầu như không thể truy cập vào các trang của Google gồm có YouTube, website được dùng để chia sẻ các video clip về hoạt động biểu tình.

Các chuyên gia an ninh mạng nói rằng họ phát hiện được một vài hoạt động truy cập web rất nhỏ từ một vài tổ chức trong đó có Sàn giao dịch chứng khoán Ai cập, một vài công ty và các cơ quan chính phủ nhưng ước tính khoảng 93% các mạng của nước này vẫn chưa thể truy cập được.

Hành động của Ai Cập gây ra ảnh hưởng lớn bởi đây là một trong những quốc gia có hạ tầng viễn thông phát triển nhất ở châu Phi và là trung tâm kết nối của châu lục này. Ai cập hiện có 80,5 triệu dân, trong đó có 21% dân số sử dụng Internet - mức độ phổ cập Internet cao nhất ở châu Phi và có 65,5 triệu thuê bao điện thoại di động tính đến tháng 10/2010. Nhưng quan trọng hơn là Ai Cập những năm gần đây đã được định vị là điểm kết nối khu vực châu Phi với thế giới. 8 tuyến cáp quang biển lớn hiện chạy qua Biển Đỏ và bán đảo Sihai kết nối khu vực này với các tuyến cáp ở châu Âu và toàn thế giới. Trong số đó, có 3 tuyến cáp mới xây dựng trong 2 năm vừa qua và 3 tuyến dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm nay, theo công ty nghiên cứu Internet Telegeography.

"Ai Cập hiện là ngã tư Internet của khu vực châu Phi và Trung Đông", Craig Labovitz, chuyên gia của công ty bảo mật Arbor Networks Inc nói. "Do đó không như các quốc gia khác ở khu vực này, việc đóng cửa Internet ở Ai Cập gây ra tác động cực lớn".

Theo WSJ