Đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý tim mạch, mù lòa, suy thận và đoạn chi. Đây là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới.
Năm 2021, theo báo cáo của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, tỷ lệ bệnh này ở người lớn đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, từ 151 triệu người lên 537 triệu người, chiếm 10,5% dân số thế giới.
Ở Việt Nam, đái tháo đường gia tăng nhanh trong 10 năm qua với gần 5 triệu người mắc bệnh (từ 2,7% dân số năm 2002 tăng lên 7,1% vào năm 2021). Kết quả điều tra còn cho thấy có hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Theo các chuyên gia, có tới 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm sự xuất hiện bằng cách tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục thể thao phù hợp...
Tuy nhiên, bác sĩ Trương Bảo Anh Minh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM), cho rằng không ít người vẫn còn thờ ơ với căn bệnh nguy hiểm trên. Người bệnh phải gánh chịu các biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Khi đó, thời gian điều trị sẽ kéo dài, chi phí điều trị tăng cao, tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Việc tầm soát đái tháo đường có thể hạn chế các hậu quả trên.
Bác sĩ Minh cho biết những đối tượng cần thực hiện tầm soát bệnh đái tháo đường theo khuyến cáo của Bộ Y tế gồm:
- Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì và kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:
+ Có người thân như bố mẹ, anh chị em ruột, con ruột bị đái tháo đường.
+ Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
+ Tăng huyết áp hoặc đang điều trị tăng huyết áp.
+ Rối loạn mỡ máu.
+ Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
+ Ít hoạt động thể lực.
+ Các tình trạng đề kháng insulin như béo phì, dấu gai đen.
- Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
- Người từ 45 tuổi trở lên.
Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 1-3 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.